[In trang]
Than Nam Mẫu đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động
Thứ hai, 04/12/2017 - 13:31
Được đánh giá là đơn vị tiên phong của TKV trong đầu tư đổi mới công nghệ mang lại hiệu quả, năm 2017 Than Nam Mẫu tiếp tục áp dụng một số công nghệ mới trong khai thác và đào lò. Đây là yếu tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm chi phí sản xuất và tăng mức độ an toàn.
Vận hành giàn chống mềm ZRY tại PX khai thác 5
Vận hành giàn chống mềm ZRY tại PX khai thác 5

Công nghệ chống Neo trong đào lò

Với ưu điểm là chống lò chủ động; vật tư, vật liệu gọn nhẹ dễ vận chuyển; giảm cường độ lao động cho thợ lò, giảm giá thành đào lò, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2005 đến 2006 Than Nam Mẫu bắt đầu áp dụng thử nghiệm công nghệ chống Neo tại lò xuyên vỉa +250; từ năm 2008-:-2010 Than Nam Mẫu tiếp tục phối hợp chuyên gia Nhật Bản trong chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chống neo tăng cường tại lò DV7 +125 T.IIa-:-T.I (lò than) và lò XV-50-I (lò đá). Đến nay, Than Nam Mẫu đang áp dụng chống neo bê tông Sika kết hợp cốt thép và chống neo chất dẻo kết hợp cốt thép tại 4 phân xưởng đào lò là: ĐL1, Đl2, ĐL3, ĐL6. Tại Than Nam Mẫu, công nghệ chống Neo được triển khai với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như: Máy khoan gương: YT-28; khoan khí nén 7665; khoan xiết neo; máy khoan lấy mẫu: MYT-125/380, MDK-30; máy rút thử tải Neo: LDZ-200; máy phun bê tông ZSP-5… nên tiến độ thực hiện luôn đạt từ 75 đến 80 mét/tháng.

Công nghệ khai thác bằng giàn chống mềm ZRY

Đây là công nghệ khai thác mới với những tính năng nổi bật về mức độ an toàn, đặc biệt giải quyết tốt vấn đề tốn thất than trong quá trình khai thác; phù hợp với điều kiện vỉa dốc đứng từ (45÷ 90) độ, vỉa than có sự thay đổi về chiều dầy. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu thực tế về giàn chống mềm ZRY tại một số đơn vị sản xuất hầm lò trong TKV, Than Nam Mẫu đã triển khai việc áp dụng công nghệ khai thác này. Việc vận chuyển và lắp đặt giàn chống mềm ZRY được Than Nam Mẫu thực hiện từ tháng 9/2017 tại lò chợ vỉa 6A tuyến 2A-4A, mức +50-125 tại phân xưởng Khai thác 5. Sau hơn 1 tháng chính thức đưa vào vận hành công nghệ khai thác này tại Than Nam Mẫu cho thấy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của lò chợ đạt được tương đối khả quan như: Việc bố trí hệ thống đường lò và biểu đồ tổ chức sản xuất đơn giản; sản lượng khai thác đạt 8.000 tấn/tháng; năng suất lao động đạt 6,5 tấn/công; chi phí mét lò chuẩn bị và tổn thất than đều giảm so với các lò chợ áp dụng công nghệ khai thác lò dọc vỉa phân tầng.

Lắp đặt vì neo tại gương lò đào tại  PX Đào lò 3
Lắp đặt vì neo tại gương lò đào tại PX Đào lò 3
 

Ngoài việc áp dụng những công nghệ khai thác, đào lò hiện đại, Than Nam Mẫu còn lắp đặt bổ sung kịp thời các thiết bị vận chuyển vật tư như tời điện, tời khí nén, hệ thống đường mônôray tại các đường lò để giảm sức lao động của công nhân. Đặc biệt từ tháng 7/2017 Than Nam Mẫu còn tự thiết kế, gia công và đưa vào hoạt động hiệu quả Hệ thống băng tải truyền tải phục vụ công tác đào lò tại hiện trường sản xuất phân xưởng Đào lò 6- Một trong những diện sản xuất xa nhất của Công ty. Với ưu điểm nổi bật là tính năng tịnh tiến linh hoạt theo gương đào lò, nâng cao năng lực vận tải cũng như năng suất đào lò, tiết kiệm chi phí và tăng mức độ an toàn trong mỗi ca sản xuất. Do Hệ thống cầu truyền tải có thể di chuyển linh hoạt được trên đường sắt nên không phải nối băng tải tiến gương thường xuyên vì thế trong gương chỉ cần 6 đến 8 người, giảm được rất nhiều công lao động. Việc tự thiết kế, gia công và đưa vào hoạt động hiệu quả Hệ thống băng tải truyền tải phục vụ công tác đào chống lò của Than Nam Mẫu cho thấy năng lực chuyên môn của đội ngũ CBCN Than Nam Mẫu trong việc đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH của ngành Than.

Bằng những nỗ lực trong đổi mới công nghệ, đồng thời phát huy nội lực sẵn có, Than Nam Mẫu đã từng bước nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm chi phí sản xuất và tăng mức độ an toàn. Nếu năm 2016 hệ số thu hồi than sạch đạt 88,5% thì 9 tháng năm 2017 đạt 89,65%, tăng 1,48% kế hoạch; năng suất lao động từ 33,34 tấn/người/tháng đã tăng lên 33,92 tấn/người/tháng/, tăng 4,14% so với kế hoạch; thu nhập bình quân đạt 11.4 triệu đồng/người/tháng.

 Mai Lan