[In trang]
Ngành da giày Việt Nam: Hướng và giải pháp phát triển trong tình hình mới
Thứ ba, 12/12/2017 - 10:38
Việt Nam là nước sản xuất giày và xuất khẩu giày dép lớn thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và thứ 4 trên thế giới (sau cả I-ta-li-a), với kim ngạch chiếm khoảng 10% thị phần toàn cầu. Sản phẩm da giày là sản phẩm xuất khẩu chủ lực đứng thứ 3 và chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam từ năm 2011 đến 2016Năm 2016, xuất khẩu của da giày, túi xách của Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2015, thấp hơn mức tăng 23,6% của năm 2014 so với năm 2013 và mức tăng 16% của năm 2015 so với năm 2014. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao thứ tư, sau nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện (đạt khoảng 34 tỷ USD), nhóm mặt hàng dệt may (đạt hơn 23,84 tỷ USD) và nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt gần 19 tỷ USD). 

Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của các doanh nghiệp Việt Nam ước đạt 13 tỷ USD trong năm 2016, tăng gấp đôi so với năm 2011 và tổng cộng 6 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt khoảng 57,5 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng giày, dép da ước đạt 32,9 triệu đôi, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 2 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Mục tiêu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt gần 18 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2030 là 54 tỷ USD. Năm 2017, chỉ số sản xuất của ngành dự kiến đạt 5%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2016.

Ngành da giày Việt Nam phải lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu - Ảnh: tuoitre.vn

Trong bối cảnh chưa rõ triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng định hướng và giải pháp phát triển ngành da giày Việt Nam vẫn nhất quán và ngày càng định hình rõ nét hơn, với những điểm nhấn sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, coi trọng thị trường Mỹ và tích cực khai thác các cơ hội mới từ hội nhập quốc tế

Mỹ luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Trong năm 2016, Mỹ là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng giày dép từ Việt Nam với kim ngạch khoảng 4,48 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch 904,9 triệu USD, tăng 20%.

Kế tiếp là thị trường các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU), như Bỉ với khoảng 825 triệu USD (tăng 14%), Đức khoảng 764 triệu USD (tăng 8,4%). Các nước châu Á cũng có mức tăng trưởng cao, như Nhật Bản đạt khoảng 675 triệu USD (tăng 12,9%), Hàn Quốc là 345 triệu USD. 

Mỹ nhập khẩu 98% giày thể thao từ các nước trên thế giới, chủ yếu là Trung Quốc, Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, dù chịu mức thuế hiện hành trung bình là 14,3%, nhưng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ luôn tăng trung bình 20% - 21%/năm và hiện tại, Việt Nam chiếm 10% (đứng thứ 2) nhập khẩu giày dép của Mỹ, so với Trung Quốc: 80%, In-đô-nê-xi-a: 4%, I-ta-li-a: 0,8%, Ấn Độ: 0,7%,... Dự báo thị phần giày dép của Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên 12% vào năm 2018. Mỹ là một trong số 50 thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam (Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 41,6% giá trị xuất khẩu các sản phẩm túi xách trong số 40 nước nhập khẩu túi xách của Việt Nam). Tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Mỹ chiếm 17,9% GDP, so với mức 3,8% của Trung Quốc.

Xuất khẩu da giày sang EU ngày càng có tầm quan trọng hơn, với kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2014 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm trước, trong khi xuất sang Mỹ chỉ đạt 3,3 tỷ USD, dù tăng 26,9%... Hiện, Việt Nam đang sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày mỗi năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó EU chiếm tỷ lệ lớn nhất. 

Việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga - Ka-dắc-xtan - Bê-la-rút, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sắp tới là EU đang và sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho ngành da giày Việt Nam, nhất là nhờ giảm nhanh hàng rào thuế quan (vào EU từ mức 12,4% hiện nay về 0% - 5%, tiếp cận thuận lợi công nghệ và giảm thiểu các chi phí đầu vào. 

Sự hình thành AEC tạo thêm xung lực mới cho ngành da giày Việt Nam. Thực tế cho thấy, dù Thái Lan, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a là những nước trong khối ASEAN có ngành công nghiệp da giày phát triển nhất và có sự tương đồng nhưng so với các quốc gia khác, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động tay nghề cao, giá nhân công… nên khả năng mở rộng thị trường khối AEC khá tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội hợp tác với các nước trong khối hợp tác phát triển nguồn nguyên, phụ liệu, hình thành chuỗi cung ứng giá trị mới, giúp giảm suất đầu tư, tăng năng lực sản xuất và cung ứng với sản lượng lớn, giảm dần lượng nguyên, phụ liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và góp phần cạnh tranh giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn, như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Năm 2017, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN - EAEU) có hiệu lực, với những quy định mới về thuế, sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn về thị trường cho giày dép Việt Nam, nhất là thị trường Nga giàu tiềm năng. Hiện, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Nga còn rất khiêm tốn. Với những ưu đãi hấp dẫn về thuế quan, FTA này sẽ mở đường cho sản phẩm giày dép Việt Nam đi thẳng vào Nga, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian. Đồng thời từ đây sẽ tạo cầu nối đẩy mạnh xuất khẩu sâu hơn sang các thị trường trong khối, như Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào đầu năm 2018 với ưu đãi thuế quan hấp dẫn cũng sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư.

Việt Nam đang tham gia đàm phán vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân ở vòng thứ 15, với nhiều khả năng kết thúc vào vào giữa năm 2017. RCEP tập trung chủ yếu vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, bao gồm các điều khoản thông thường của một thỏa thuận thương mại tự do, giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới. Hiệp định này sẽ đặc biệt thuận lợi cho các nước trong khối ASEAN, vì RCEP sẽ giảm bớt sự phi lý của các FTA có sẵn trước đây và đồng thời tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như là một cơ sở sản xuất. Hơn nữa, bằng cách kết nối ba thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, RCEP đưa ra một khuôn mẫu phát triển “Nam - Nam” mới, từ đó có thể phần nào bù đắp tình hình nhập khẩu và đầu tư ảm đạm ở các nước phương Tây.

Thứ hai, chuyển mạnh sang sản xuất và xuất khẩu các dòng sản phẩm cao cấp

Việt Nam đang tích cực cải thiện cơ cấu sản phẩm da giày, với dòng sản phẩm có giá trị cao hiện nay đã đạt mức trên dưới 10%, tức cao gấp đôi so với cách đây chỉ vài năm. Mục tiêu của ngành là xuất khẩu da giày đến năm 2030 sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu lên con số 54 tỷ USD, tức gấp 4 lần kim ngạch 2016 dù về sản phẩm chỉ gấp 1,8 lần, nhờ việc sản xuất những dòng sản phẩm có giá trị cao và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất của Mỹ là Nike có sản lượng giày sản xuất tại Việt Nam năm 2013 chiếm tới 42% tổng sản lượng của hãng, so với tại Trung Quốc chỉ 30% và 25% tại In-đô-nê-xi-a. Nhật Bản chọn Việt Nam làm nơi đặt cơ sở sản xuất, cung cấp hơn 30% tổng sản lượng da giày hằng năm của mình.

Thứ ba, tăng tự chủ nguyên liệu, phát triển chuỗi cung ứng và giữ sân nhà

Điểm yếu của ngành da giày Việt Nam là ở khâu nguyên liệu và thiết kế, hiện các doanh nghiệp Việt mới chỉ tự chủ được phần nguyên liệu đế giày, chỉ khâu và vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp; còn phải nhập khẩu hầu hết các loại máy móc và nguyên liệu quan trọng nhất để phục vụ sản xuất trong ngành, như vải cao cấp, da nhân tạo và mỗi năm nhập khẩu từ 1,1 tỷ - 1,5 tỷ USD da thuộc. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt đang phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm từ 40% - 45% hiện nay lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ và giúp giảm các chi phí về logistics và cải thiện vị thế làm gia công, sản xuất phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 23% về số lượng, nhưng chiếm hơn 65% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường nội địa với quy mô tiêu thụ tới 180 triệu đôi, trị giá 5 tỷ USD/năm, cũng do các doanh nghiệp ngoại nắm giữ tới 60% thị phần (trong đó Trung Quốc khống chế phân khúc hàng giá rẻ, còn các thương hiệu nước ngoài chi phối phân khúc hàng cao cấp). Thực tế đòi hỏi và cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường chủ động khắc phục tình trạng thiếu vốn, công nghệ, nhân sự cao cấp, năng lực quản trị và năng suất lao động thấp, coi trọng hoạt động bộ phận nghiên cứu, phân tích về môi trường, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hình thành nên chuỗi liên kết nội địa giữa các nhà sản xuất, cung ứng nguyên, phụ liệu trong nước, đáp ứng tốt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường, lao động và quy trình công nghệ, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành da giày và túi xách Việt Nam. 

Đặc biệt, Việt Nam đang và cần đẩy mạnh hơn quá trình đổi mới máy móc, thiết bị và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thuộc da và tạo nền tảng hạ tầng cho ngành da giày mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất giày cao cấp lâu đời; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp theo dạng chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về nguồn nhân lực “vàng”, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, kiểm soát chặt chẽ hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lớn.

Có thể nói, yêu cầu và động lực cho phát triển ngành da giày Việt Nam ngày càng hội tụ và cộng hưởng từ việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, nâng cao yêu cầu về chất lượng hàng hóa, những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; khả năng giải quyết tranh chấp thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường thế giới và phát triển thị trường trong nước; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, đào tạo đội ngũ quản lý kỹ thuật; tuân thủ những cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; cơ cấu lại sản xuất để giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu khách hàng; hình thành các quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho ngành sản xuất da giày, với hệ thống đồng bộ kết cấu hạ tầng về xử lý ô nhiễm môi trường nước thải trong sản xuất; xây dựng các vùng nguyên, phụ liệu (da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất); cải thiện năng lực tiếp thị, thiết kế mẫu mã, phát triển thị trường sản phẩm; tăng trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xanh - sạch hơn và phát triển bền vững trong hội nhập…

Ngoài ra, doanh nghiệp phải luôn bám sát thị trường, nắm bắt thông tin nhằm điều chỉnh định hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. Doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực nội tại bằng cách đầu tư xứng đáng cho phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, cải tiến hệ thống quản lý sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian giao hàng. Trước mắt, doanh nghiệp trong ngành, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần liên kết để sản xuất được các đơn hàng lớn, tăng sức cạnh tranh./.

Theo Tạp chí cộng sản