[In trang]
'Việt Nam thuộc nhóm quốc gia ứng dụng robot nhanh nhất khu vực'
Thứ ba, 12/12/2017 - 11:01
Chúng ta nói nhiều đến công nghệ 4.0, nhưng nó sẽ tác động thế nào đến sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng thì phần lớn doanh nghiệp còn rất mù mờ, CEO Muralidhar, Deloitte Consulting SEA cho biết.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Muralidhar, CEO tư vấn sản xuất, khu vực Đông Nam Á của Deloitte Consulting SEA cho biết: Việt Nam, Philippine và Bangladesh là những quốc gia ứng dụng robot nhanh nhất khu vực. Ở Việt Nam đã có đơn vị nhập đơn hàng 300 con robot về ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. 

Ông Muralidhar, CEO tư vấn sản xuất, khu vực Đông Nam Á của Deloitte Consulting SEA bên con robot DX2 do Deloitte tạo nên

Theo thông tin từ ông Muralidhar, tháng 4/2015, Công ty Mitsubishi Fuso phát hiện ra có vấn đề trong xe tải nhẹ. Mất 6 tháng điều tra, gần 1 năm để xác định nguyên nhân, đến khi tìm ra vấn đề thì họ đã sản xuất 3 triệu xe. Thời điểm điều tra bổ sung họ đã sản xuất 6 triệu xe. 

Nhưng nếu dùng công nghệ thông minh phân tích dự báo thì họ sẽ giảm thiểu thời gian số xe triệu hồi xuống còn 3 triệu, tiết kiệm bao nhiêu chi phí. Phân tích dự báo với mô hình nhà máy thông minh, kết nối của IoT, cảm biến để giám sát và theo dõi sản phẩm sẽ là xu hướng của tương lai. 

Trong buổi giao lưu với các doanh nhân thuộc CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC, một robot mang tên DX2 được Công ty Deloitte Consulting SEA giới thiệu trước 30 doanh nghiệp.

Robot này làm được nhiều động tác, từ nhảy múa, đánh máy, chơi bóng, nói chuyện, tương tác với con người. Nhiều doanh nghiệp đã tương tác với robot DX2 để kiểm chứng những gì nó có thể làm được. 

Robot này thể hiện sự phát triển nhanh chóng trong công nghệ thông tin như cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), các thiết bị kết nối. Và robot sẽ ngày càng rẻ hơn nên cơ hội để nhiều doanh nghiệp sử dụng là rất cao, ông Muralidhar nói.

Dự đoán của Deloitte cho biết, xu hướng công nghệ sắp tới Mobi sẽ bùng nổ, trở thành màn hình thu nhỏ, cùng với in 3D, mạng xã hội… tất cả dẫn đến cái quan trọng hơn là trí tuệ nhân tạo. 

Theo đại diện của Deloitte, cách đây khoảng 10 năm, chúng ta không tin Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc thế giới, nhưng ngày nay họ còn tiên phong về công nghệ. Tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng, quá trình đạt đến 50 triệu người sử dụng một công nghệ sẽ rút ngắn lại. Cỗ máy sẽ đưa ra những phán đoán, quyết định cuối cùng. Ngôi nhà kết nối chỉ cần dùng điên thoại di động có thể kích hoạt mọi vật dụng trong nhà. 

Những nhà máy hóa chất cung cấp mực cho in 3D sẽ kiếm bộn tiền. Internet vạn vật, thiết bị bay cấp cứu có thể tiếp cận bệnh nhân ở bất cứ vị trí nào, qua thiết bị bay đó bác sĩ sẽ biết bệnh nhân đang gặp vấn đề gì để tư vấn cho người nhà giúp bệnh nhân thoát khỏi sự nguy hiểm…

Theo Deloitte, 3 trong Top 10 ngành công nghệ tiên tiến sẽ làm thay đổi ngành sản xuất là Phân tích dự báo, Nhà máy thông minh và Siêu máy tính.

Nhà máy thông minh với những sản phẩm thông minh kết nối và vật liệu tiên tiến, ứng dụng 3D. Công nghiệp lọc hóa dầu với thiết bị bay có thể quan sát được ống khí đốt phục vụ cho sửa chữa, bảo trì. Quá trình phát triển từ IT, IoT riêng lẻ sẽ kết nối với nhau trở thành siêu máy tính, tức là trí tuệ nhân tạo.

"Ở Việt Nam, một công ty may đã áp dụng nhà máy thông minh tại Hà Nội. Khách hàng có thể đến trải nghiệm mô hình số nhà máy thông minh, nâng cao hiệu suất, chất lượng, giảm chi phí và phát triển bền vững hơn", đại diện Deloitte tiết lộ.

Cũng theo thông tin từ Deloitte, hiện đã có một số doanh nghiệp thực sự tiên phong trong lĩnh vực này như mía đường Lam Sơn (Lasuco), một số công ty may ở Hà Nội, TP HCM… Hiện nay có nhiều hãng công nghệ khác nhau đang cung cấp những giải pháp về công nghệ, mô hình tích hợp ảo- thực, công nghệ robot và nhận thức tự động đã thành hiện thực, bắt chước trí thông minh của con người. 

"Chúng ta nói nhiều đến công nghệ 4.0, nhưng nó sẽ tác động thế nào đến sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng thì phần lớn doanh nghiệp còn rất mù mờ. Việt Nam muốn thay đổi, trước hết phải thay đổi tư duy", bà Ngân Giang, Công ty Deloitte nói.

Cũng theo bà Giang, thay vì nhìn ngắn hạn, không chia sẻ với đối tác, khư khư giữ bí quyết cho riêng mình… thì doanh nghiệp phải trả lời 3 câu hỏi: Có tích hợp các khả năng công nghệ không? Làm thế nào thực hiện nó? Kết hợp với đối tác nào để chia sẻ lợi ích?

Theo http://theleader.vn/