[In trang]
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – “Chìa khóa” phát triển ngành công nghiệp tàu thủy
Thứ tư, 13/12/2017 - 10:37
Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của chính các công ty đóng tàu thì các cơ sở đào tạo ngành kỹ thuật tàu thủy (KTTT) cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của chính các công ty đóng tàu thì các cơ sở đào tạo ngành kỹ thuật tàu thủy (KTTT) cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực có trình độ cao, có khả năng hội nhập để đưa ngành công nghiệp tàu thủy (CNTT) tiếp tục những bước đi vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế, vươn ra biển lớn.

Cơ hội và tiềm năng phát triển

Ngành hàng hải có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Với vị trí vừa là đầu mối, vừa là cầu nối về giao thông trên biển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nên mọi hoạt động của ngành này đều có tác động lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như bảo đảm quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường biển.

Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài 3260 km, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển. Hơn nữa, nước ta lại có vị trí địa lý thuận lợi, kề cận nhiều tuyến hàng hải quốc tế, thuộc khu vực đang có tốc độ phát triển kinh tế cao và thị trường vận tải biển sôi động, giao lưu với các châu lục nhanh chóng, dễ dàng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để phát triển ngành CNTT nước nhà.

Với mục tiêu và quyết tâm thực hiện đưa ngành CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển CNTT trên cơ sở hợp tác chiến lược với Nhật Bản. Theo đó, CNTT sẽ tập trung sản xuất một số sản phẩm tàu phù hợp với điều kiện phát triển, xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia có ngành đóng tàu với chất lượng cao.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng lợi thế là quốc gia biển, ngành CNTT Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của nhiều hãng đóng tàu, công ty vận tải lớn trên thế giới. Đây chính là những cơ hội, tiềm năng để ngành đóng tàu khôi phục và phát triển bền vững trong tương lai.

Phát triển nguồn nhân lực

Trước những cơ hội, tiềm năng phát triển đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp tàu thủy phải đáp ứng yêu cầu thực tế. Bộ môn Kỹ thuật thủy khí và tàu thủy (KTTK&TT), Viện Cơ khí động lực, Trường ĐHBK Hà Nội là một trong những “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượngcao, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành CNTT.

Bộ môn KTTK&TT có tiền thân từ Bộ môn Thủy lực/Thủy khí động lực/Kỹ thuật thủy khí và hàng không, có bề dày lịch sử cùng sự phát triển của Trường ĐHBKHà Nội từ năm 1956, với chức năng giảng dạy học phần Thủy lực/Cơ học chất lỏng ứng dụng/Kỹ thuật thủy khí cho sinh viên khối ngành kỹ thuật.Năm 1998, khi nền CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, Trường đã quyết định thành lập ngành đào tạo “Kỹ thuật tàu thủy”.

Từ đó đến nay, hàng trăm kỹ sư KTTT đã và đang đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành CNTT nước nhà. Trong số đó, nhiều người hiện đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ sở, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật tàu thủy.

Với chương trình đào tạo cơ bản và linh hoạt, kỹ sư KTTT không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn nắm chắc các kiến thức về cơ khí, cơ khí động lực. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp KTTT tại ĐHBK Hà Nội có thể làm việc ở  những cơ sở/doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực KTTT, cơ khí, cơ khí động lực như: các công ty thiết kế, tư vấn, công nghệ và dịch vụ tàu thủy; Công ty vận tải biển, công ty đóng tàu trong và ngoài nước; Cơ quan quản lý, giám sát, phân cấp tàu và phương tiện nổi; Trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo lĩnh vực KTTT trong và ngoài nước; Công ty xây dựng, kết cấu thép, công trình biển, dịch vụ dầu khí…  hoặc có thể học tiếp ở bậc cao hơn.

“Vì vậy, cơ hội việc làm của sinh viên KTTT khá tốt. Đặc biệt trong thời gian tới, khi ngành công nghiệp tàu thủy được hồi sinh và phát triển thì nhu cầu về nhân lực KTTT sẽ còn tăng cao” – TS Phạm Thị Thanh Hương – Trưởng Bộ môn KTTK&TT nhận định.

Đồng quan điểm với TS Hương, Nguyễn Văn Thụy – Cựu sinh viên K56, lớp Kỹ thuật tàu thủy, tâm sự: “Thực sự khi đăng ký vào ngành KTTT em cũng có chút băn khoăn vì thời điểm đó ngành đóng tàu trong nước vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng, có thế nói là khá xấu do bê bối của Vinashin. Tuy nhiên, sau khi phân tích nhu cầu thực tế, em đã quyết định lựa chọn ngành KTTT. Bởi vì nước ta có đường bờ biển dài, ngư nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng của đất nước, việc đánh bắt hải sản cũng như việc phát triển vươn ra biển là hết sức quan trọng không chỉ đối với việc phát triển kinh tế mà còn cả về vấn đề chủ quyền quốc gia, do đó việc phát triển ngành công nghiệp tàu thủy sẽ là tất yếu. Cũng chính nhờ sự quyết định đúng đắn đó mà ngay khi ra trường, tháng 7/2016, em và 2 bạn cùng lớp đã trúng tuyển vào làm việc tại Công ty CP đóng tàu Oshima (Nhật Bản) – một trong những quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển với mức lương khởi điểm khá cao”.

Nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên chuyên ngành kỹ thuật đam mê thiết kế có cơ hội được trải nghiệm thực tế, trong những năm qua, được sự quan tâmcủa Trường ĐHBK Hà Nội, Viện Cơ khí động lực, Bộ môn đã tổ chức các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, tổ chức định kỳ cuộc thi “Thiết kế và đua tàu mô hình – Shipcom”. Đây là sân chơi bổ ích, trí tuệ, sáng tạo giúp sinh viên trau dồi về kiến thức chuyên ngành, tăng sự gắn kết, giao lưu giữa các thế hệ sinh viên.

“Với mong muốn tạo diễn đàn thường xuyên trao đổi về chuyên môn trong lĩnh vực KTTT cũng như thắp sáng đam  mê, truyền lửa cho các thế hệ sinh viên đang theo học ngành này tại Trường, Hội Cựu sinh viên KTTT được thành lập. Hội đã xây dựng Quỹ học bổng nhằm khuyến khích, động viên kịp thời sinh viên chuyên ngành có thành tích học tập tốt, và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn” – anh Mai Văn Tiếp (Cựu sinh viên K42, ngành KTTT) – Chủ tịch Hội chia sẻ.

Với đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm được đầu tư đồng bộ, phòng máy tính với những phần mềm chuyên dụng hiện đại, Bộ môn KTTK&TT, Trường ĐHBK Hà Nội đã trở thành địa chỉ tin cậy của biết bao thế hệ sinh viên đã, đang và sẽlựa chọn ngành KTTT. Không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, kỹ sư KTTT còn có cơ hội trở thành kỹ sư toàn cầu, được làm việc ở những quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó cũng chính là mục tiêu đào tạo của Bộ môn KTTK&TT hòa cùng sứ mạng chung của Trường ĐHBKHN trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành CNTT Việt Nam và quốc tế.

Theo Công nghiệp tàu thủy Việt Nam