[In trang]
Cơ hội mở rộng thị trường cho ngành dệt may Việt Nam
Thứ tư, 11/07/2018 - 10:47
Với những bước phát triển vượt bậc, ngành dệt may Việt Nam đang vươn lên là một trong năm nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Toàn ngành đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong sáu tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước. 

Các chuyên gia cho biết, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là kết quả của việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhận được nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc "từ sợi trở đi”. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 16 tỷ USD, tăng trên 14%. Trong đó, mức tăng trưởng của vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 274,6 triệu m2 (tăng 9,7), sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 525,9 triệu m2 (tăng 22,1%), quần áo mặc thường ước đạt 2.305,5 triệu cái, (tăng 10,4%) so với cùng kỳ. 


Tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, xuất khẩu nước ta đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017; đặc biệt áo thun, áo jacket, áo sơ mi,... là những mặt hàng xuất khẩu bứt phá. 

Tuy nhiên, cũng theo Ông Vũ Đức Giang, toàn ngành vẫn phải đối mặt với 2 khó khăn lớn: nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới chỉ tăng 1 - 2%, thậm chí không thay đổi và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu. 

Ngoài ra, thực tế là EU đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các Campuchia, Myanmar,…một số mặt hàng của Campuchia cũng được Mỹ áp dụng mức thuế suất tương tự, trong khi đó, Việt Nam đang phải chịu mức thuế bình quân 9,6% và 17,5% khi xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức tập huấn về cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng. 

Một giải pháp hữu hiệu khác là bên cạnh những thị trường trọng điểm kể trên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên hướng đến những thị trường tiềm năng, còn dư địa tăng trưởng như Trung Quốc, Asean,...

Ngọc Diệp