[In trang]
Định hướng chính sách phát triển các ngành KHCN phù hợp với CMCN 4.0 giai đoạn đến năm 2030
Thứ hai, 16/07/2018 - 10:34
“Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hoá.” Đó là nhận định của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

“Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hoá.” Đó là nhận định của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại hội thảo “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”. Đây là hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao & Triển lãm quốc tế về công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra vào chiều ngày 13/7/2018 tại Hà Nội.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp tích cực đến sản xuất, các dịch vụ và quá trình lưu thông hàng hóa, tài chính, tiền số, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của mỗi quốc gia.

GS.TS Nguyễn Quang Liêm tại hộit hảo chuyên đề “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”. (Ảnh: Tiến Tuấn - Báo điện tử Tri thức trẻ)

Để nâng cao năng lực tiếp cận và cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam cần phải có chính sách phát triển khoa học công nghệ phù hợp, trong đó có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trực tiếp thực hiện/tham gia CMCN 4.0. Điều này đồng nghĩa với việc cần có cán bộ công nghệ thông tin và kỹ thuật số, vật lý, khoa học công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học hay khoa học sự sống nói chung. Bên cạnh đó, cần có hệ thống đào tạo định hướng tiếp cận CMCN 4.0 cũng như đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”. (Ảnh: VOV)

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế chính sách quản lý và đầu tư có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đào tạo nhân lực, đầu tư đến ngưỡng trực tiếp phục vụ CMCN 4.0. Song song với đó, cần có các quy định bảo đảm được tính minh bạch, đánh giá định lượng hiệu quả hoạt động, động viên được cán bộ. Trên cơ sở đó, đề xuất các hướng công nghệ Việt Nam ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ số, cần ưu tiên phát triển công nghệ kết nối vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo, hệ chuyên gia cho ERP…, chính sách bảo mật Sp, BI...dựa trên các nguồn dữ liệu được kết nối bởi IoT, các mạng cảm biến và là hệ thống điều khiển công nghiệp, tài chính/tiền số.

Các chuyên gia quốc tế trả lời các câu hỏi liên quan đến CMCN 4.0 trong phiên thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: VOV)

Trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường cần có chính sách dự báo nhu cầu điện tiên tiến, năng lượng tái tạo; ứng dụng các phần mềm tiên tiến giám sát lưới điện, kiểm soát diện rộng; nghiên cứu công nghệ trạm sạc điện thông minh, sạc điện không dây cung cấp năng lượng điện cho xe điện dân dụng và chuyên dụng… 

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cần ưu tiên lĩnh vực tế bào gốc, nghiên cứu công nghệ tái tạo mô bằng in 3D phục vụ cho công tác thay thế và cấy ghép nội tạng, điều trị các bệnh hiểm nghèo… 

Đối với lĩnh vực vật lý, khoa học vật liệu, cần tập trung nghiên cứu các quá trình/cơ chế vật lý để chế tạo các loại cảm biến có độ nhạy cao; nghiên cứu cơ chế truyền tín hiệu, đặc biệt truyền tín hiệu không dây ở cả tầm gần và tầm xa, hiệu suất cao… 

"Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hoá, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải cách hành chính; Nâng cao năng lực cạnh tranh...", GS-TS Nguyễn Quang Liêm đề xuất.

 

Hà Nguyễn