[In trang]
Định vị doanh nghiệp ngành Công Thương Việt Nam trong CMCN 4.0
Thứ hai, 16/07/2018 - 11:37
Phần lớn doanh nghiệp nước ta hiện nay chưa có chiến được để nắm bắt những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại.

61% doanh nghiệp "đứng ngoài cuộc" 

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13 tháng 07 năm 2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Theo kết quả đánh giá tính sẵn sàng của doanh nghiệp ngành Công Thương với cuộc CMCN 4.0, được tiến hành từ cuối năm 2017 đến tháng 05 năm 2018, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang ở điểm xuất phát với cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, 82% doanh nghiệp mới "nhập cuộc" và 61% "đứng ngoài cuộc". 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Điểm trung bình toàn ngành công thương là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên hay là chưa có sự chuẩn bị nào. 5 ngành có điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện-khí đốt-nước và hóa chất. Trong khi đó, 3 ngành chủ lực của ngành công thương là cơ khí, dệt, may và da giày là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất. 

Kết quả đánh giá này tương đồng với kết quả được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 01/2018 trong Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia. Theo đó, so với 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam chưa sẵn sàng với CMCN 4.0. So với các quốc gia ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm nước kém tiếp cận CMCN 4.0 (cùng với Campuchia và Indonesia); trong khi các nền kinh tế có cơ cấu sản xuất và xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia đều có cấu trúc và động lực sản xuất cao hơn, mức độ sẵn sàng và tiềm năng cho phát triển sản xuất theo cuộc CMCN 4.0 nằm trong nhóm dẫn đầu. 

DNNN vượt trội hơn so với DN ngoài NN và DN có vốn đầu tư nước ngoài 

Cũng theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, doanh nghiệp nhà nước có khả năng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 cao hơn nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Xét yếu tố chiến lược và tổ chức thực hiện, "trụ cột" trong quá trình tiếp cận Công nghiệp 4.0, chỉ dưới 15% doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là "mới tham gia", trong khi đó, con số này của doanh nghiệp nhà nước là 40,76%. 

Điển hình một số doanh nghiệp nhà nước đã chủ động xây dựng chiến lược hoặc kế hoạch tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam

Giải pháp 

Tiếp cận của ngành Công Thương trong cuộc cách mạng lần 4 chính là tập trung đổi mới nâng cấp nền sản xuất hiện đại, đấy nhanh quá trình này bằng các tận dụng các cơ hội và tiếp thu nhanh chóng các công nghệ xu hướng phát triển mới. Định hướng này được Bộ Công Thương tập cụ thể hóa thành nhiều nhóm nhiệm vụ giải pháp tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như sau:

(1) nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2035 trên quan điểm và cách thức tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, định hình lại cách ưu tiên và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi mang tính chiến lược. Với xuất phát điểm rất yếu, chúng ta phải bố trí nguồn nhân lực một cách phù hợp, không thể dàn trải;

(2) tập trung vào thể chế khuôn khổ pháp lý tạo môi trường bình đẳng thuận lợi chính là động lực quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thực hiện đổi mới sáng tạo cũng như nhanh chóng áp dụng thành tựu từ cuộc CMCN lần thứ 4;

(3) đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học vào công nghệ cho doanh nghiệp khoa học ngành Công Thương nhằm đổi mới nền sản xuất hiện tại chính là giải pháp mang tính cốt lõi;

(4) Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất thông minh và hiện đại trong tương lai. 

Ngọc Diệp