[In trang]
Tìm hướng cải thiện chất lượng hoạt động xuất khẩu
Thứ hai, 20/08/2018 - 08:53
DN Việt cũng phải đổi mới tư duy, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, cần xác định xuất khẩu các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Tăng trưởng xuất khẩu duy trì đều đặn ở mức hai con số trong nhiều năm trở lại đây, nhưng giá trị gia tăng thu lại không tương xứng. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) Việt vẫn quanh quẩn “ngoài rìa” chuỗi giá trị xuất khẩu. Đây là những vấn đề bức thiết đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu hiện nay.

Năm 2017, xuất khẩu hàng may mặc đạt 24,7 tỷ USD, nhưng DN trong nước bỏ ra 11,4 tỷ USD nhập khẩu riêng vải

Con số thống kê vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đã cho thấy một bức tranh tổng thể không mấy tích cực về mục tiêu phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Theo đó, mặc dù cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, song chỉ khoảng 50% số này hoạt động có hiệu quả.

Các sản phẩm sau chế biến, có thương hiệu, mang lại giá trị gia tăng cao chưa nhiều, tỷ lệ DN tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.

Bổ sung thêm thông tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, mặc dù Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng mới chuyên sâu tại các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, giá trị gia tăng thấp và kết nối trong nước yếu.

Hiện chỉ có khoảng 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó, chỉ có 2% là DN lớn, 2 - 5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Cũng theo bà Lan, DN Việt đang dần bị chiếm các thương hiệu sản phẩm và mất đi phần giá trị gia tăng rất lớn đáng ra có thể thu được vì không thể tham gia đến tận cùng chuỗi giá trị, mà trường hợp Phở Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua một DN Thái Lan là ví dụ rất điển hình.

“Họ sử dụng nguyên liệu của Việt Nam, lấy thương hiệu là Phở Việt và bán sang Mỹ với giá cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Không chỉ phở mà nhiều sản phẩm nổi tiếng khác của chúng ta cũng rơi vào tình trạng tương tự”, bà Lan cho hay.

Bình luận về thực trạng này, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc CTCP Sợi Thế kỷ cho rằng, nếu xem xét về giá trị gia tăng trong hàm lượng xuất khẩu sẽ thấy rủi ro tiềm ẩn.

Phân tích bức tranh tăng trưởng ngoạn mục của ngành may mặc, vị giám đốc cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2013 - 2017, nhập khẩu hàng may mặc tăng trưởng bình quân ở mức rất cao là 8%/năm.

“Năm 2017, xuất khẩu hàng may mặc đạt 24,7 tỷ USD, nhưng DN trong nước bỏ ra 11,4 tỷ USD nhập khẩu riêng vải, chưa bao gồm phụ liệu. Trong nguồn cung ứng vải, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng thực chất là “xuất khẩu hộ” Trung Quốc, làm công thuê cho họ, không thu về lợi nhuận gia tăng cho mình”, ông Hòa nhận xét.

Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng này và hướng tới một nền xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị gia tăng và lợi nhuận cao cho các DN, cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Nếu vậy, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.

Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và DN để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Riêng nhóm công nghiệp chế biến, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Thế hệ mới cho rằng, phần lớn các DN Việt Nam có quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại.

Vì vậy, Nhà nước cần phải có chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư theo hướng xuất khẩu, bởi thiếu công nghệ mạnh thì không thể có được sản phẩm cạnh tranh và tạo chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, có chính sách xuất nhập khẩu thu hút, tạo điều kiện hơn nữa cho DN trong việc nhập nguyên liệu, chế biến, rút ngắn thời gian giao hàng; có chính sách phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

“Tất cả những điều này cần phải tiến hành một cách đồng bộ, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Có như vậy, chúng ta mới xuất khẩu được sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, DN Việt cũng phải đổi mới tư duy, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, cần xác định xuất khẩu các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Tuân nói. 

Nguồn: Báo Đầu tư chứng khoán