[In trang]
Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất
Thứ bảy, 29/09/2018 - 09:08
Tại Quảng Ninh, 70% số nhiệm vụ KHCN đã được ứng dụng, duy trì, nhân rộng trong thực tiễn. Từ đầu năm 2018, nhiều dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất đã được triển khai, mang lại hiệu quả cao.
Thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhiều mô hình, cải tiến kỹ thuật được áp dụng thực tế tại địa phương góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, tận dụng tiềm năng phát triển vùng miền.
Xác định KHCN có vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất, thời gian qua, công tác triển khai ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động KHCN được đổi mới theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác nghiên cứu khoa học đã phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, đời sống. Nhờ vậy, 70% số nhiệm vụ KHCN đã được ứng dụng, duy trì, nhân rộng trong thực tiễn.
Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Bắc Việt (huyện Đầm Hà) áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. 
Từ đầu năm 2018, nhiều dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất đã được triển khai, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2018 tại Đông Triều, Quảng Yên với quy mô 3ha/3 hộ, đến nay cá sinh trưởng phát triển tốt, kích cỡ đạt từ 24-25cm/con, trọng lượng trung bình 540-550g/con, ước đạt tỷ lệ sống 79-81%; mô hình canh tác rươi lúa hữu cơ triển khai tại Đông Triều, Uông Bí quy mô 8ha/4 hộ, đến nay rươi phát triển tốt, kích thước rươi đạt 9cm/con; mô hình tưới tiết kiệm cho cây cam với quy mô 2ha/hộ, giúp cung cấp nước tối ưu cho cây trồng, tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công; mô hình cải tạo đàn trâu bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với quy mô 100 con/50 hộ, tới nay đã thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công cho 70% trâu trong mô hình; mô hình xây dựng, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung thực hiện tại Quảng Ninh, với quy mô 15ha/10 hộ (giống bạch đàn lai mô bầu dòng UP54, UP99), tới nay cây sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây đạt từ 0,9-1,4m, đường kính gốc đạt 1-2cm/cây...
Cùng với đó, các dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với quy mô lớn cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, như: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) với quy mô trên 100ha, tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, với mục tiêu hình thành một trung tâm khoa học, ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và cơ chế ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN; triển khai, hoàn thiện Dự án Trung tâm sản xuất giống thủy sản công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống thủy sản tại xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, với quy mô 125ha, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, là nơi sản xuất, nuôi thực nghiệm giống thủy sản có quy mô lớn trong khu vực, với những chủng loại giống được sản xuất đảm bảo chất lượng, sạch bệnh phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân trong và ngoài tỉnh.
Công nghệ in khuôn 3D ra cốt sản phẩm trong quy trình sản xuất gốm mỏng của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.
Trong lĩnh vực công nghiệp, việc áp dụng công nghệ tiên tiến cũng đã cho thấy nhiều hiệu quả tích cực. Trong đó đi đầu là các công ty sản xuất gạch ngói trên địa bàn như Đất Việt, Thanh Tuyền Group, Coto Quảng Ninh... đều áp dụng công nghệ mới giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất, doanh thu. Trong đó Công ty TNHH Thanh Tuyền Group đã nghiên cứu đổi mới hoàn toàn công nghệ, sử dụng xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều để sản xuất gạch không nung, vừa cho giá trị kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty CP Sữa An Sinh, Công ty CP Sữa Đông Triều cũng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm...
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT, cho biết: “Tới nay, nhiều ứng dụng KHCN đã được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất như: Nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp... cho hiệu quả kinh tế cao. Với trọng tâm lấy phát triển kinh tế làm nòng cốt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các cơ quan khoa học để thực hiện những mô hình sản xuất mới, sau đó từng bước chuyển giao công nghệ để người dân tự thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các dự án triển khai, nghiệm thu hiệu quả để có biện pháp nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường”.
Trần Hà