[In trang]
Thực trạng công tác chế biến và sử dụng xỉ gang thép ở Việt Nam
Thứ ba, 09/10/2018 - 08:34
Ngày 5/10/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội thép Việt Nam và Hiệp hội xi măng Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Thực trạng công tác chế biến và sử dụng xỉ gang thép ở Việt Nam.
Ngày 5/10/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội thép Việt Nam và Hiệp hội xi măng Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Thực trạng công tác chế biến và sử dụng xỉ gang thép ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời gian tới nhu cầu xỉ lò cao cho sản xuất xi măng có thể đạt tới 20 triệu tấn. Đây là sản phẩm làm nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng nhưng thực tế lâu nay xỉ trong ngành sản xuất thép lại chỉ được coi là sản phẩm phụ, thậm chí còn được coi như phế thải thông thường. Hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến vấn đề tái chế, sử dụng xỉ gang thép. Thực sự Việt Nam còn nhiều dư địa để ngành thép cung cấp xỉ cho ngành công nghiệp xi măng phục vụ cho sản xuất.
Quang cảnh hội thảo.
Cũng theo ông Cung, tính đến hết tháng 9, ngành xi măng Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lò quay phương pháp khô. Tổng công suất thiết kế là 99 triệu tấn xi măng. Phụ gia xi măng gồm thạch cao khoảng 5%, còn lại 25% gồm các loại puzơlan, tro nhiệt điện, đá vôi, đá bazan, xỉ hạt lò cao. Tro bay nhiệt điện có thể sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất xi măng và phụ gia bê tông.
Đặc biệt, nhu cầu sản xuất xi măng có chứa phụ gia ngày càng cao. Trước đây, nhiều nước trên thế giới lựa chọn tỷ lệ sản xuất xi măng khoảng 50% xi măng không phụ gia và 50% xi măng có pha phụ gia. Tuy nhiên, ngày nay tất cả các nước đều chuyển sang sản xuất xi măng có chứa chất phụ gia.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành công nghiệp gang thép của Việt Nam những năm gần đây phát triển với tốc độ mạnh. Trong quá trình sản xuất gang, thép sẽ sản sinh ra khối lượng xỉ lò cao rất lớn, năm 2018 là  hơn 4 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020, con số này có thể nâng lên hơn 7 triệu tấn. 
 “Sử dụng xỉ gang thép trong sản xuất xi măng mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường. Để sản xuất 1 tấn xi măng với nguyên liệu thông thường sẽ thải ra khoảng 0,8 tấn CO2, nếu chúng ta dùng xỉ làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng thì lượng CO2 thải ra khoảng 0,3 tấn. Chúng ta đang tìm mọi cách để giảm phát thải C02. Vì vậy đây là kết quả rất to lớn với  môi trường”, ông Sưa nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều đồng quan điểm kiến nghị: Cần có những nghiên cứu, tập trung vào việc tính toán, lựa chọn phụ gia hóa học tương thích nhằm cải thiện chất lượng bê tông.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề xỉ lò cao cứng, khó nghiền, ông Cung cho rằng, nếu quá trình làm lạnh xỉ nóng chảy thành xỉ hạt càng nhanh thì tạo xỉ hạt càng nhỏ, hoạt tính xi măng của xỉ hạt càng tốt và càng dễ nghiền. Chi phí nghiền xỉ cao hơn nghiền clinker và phụ gia vì vậy cần có giá xỉ hợp lý thì việc sử dụng xỉ mới có hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam nên có kiến nghị xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về xỉ thép để người tiêu dùng nắm rõ và dễ sử dụng.
Nhật Linh