[In trang]
Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Thứ sáu, 12/10/2018 - 16:02
Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin và hoạt động đổi mới sáng tạo là hai thành tố quan trọng đối với nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về đổi mới sáng tạo, ngày 12/10, Trường Đại học Điện lực và Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp tổ chức hội thảo:“Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”.
TS. Trương Huy Hoàng – Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu khai mạc hội thảo 
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong thành công của các doanh nghiệp. Năng lực này được cấu thành từ nhiều khía cạnh như kỹ thuật, công nghệ, quản lý. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin và hoạt động đổi mới sáng tạo là hai thành tố quan trọng đối với nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
TS. Võ Trí Thanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
TS. Võ Trí Thanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng “Với đặc trưng là sự kết nối/tương tác thực - số - người, công nghệ đột phá như IT, robotics, 3-D Printing, hạt nhân, chuyển đổi số và sự tích hợp công nghệ mới về vật liệu, năng lượng, sinh học,…là nền tảng, CMCN 4.0 vừa là nguồn sáng tạo vô tận ra các sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng thị trường và cách mạng tiêu dùng, vừa là đòi hỏi, áp lực doanh nghiệp phải định hình lại cách thức phân bổ nguồn lực và sản xuất kinh doanh”. 
Ban chủ tọa hội thảo 
TS. Võ Trí Thanh cũng khẳng định CMCN 4.0 là thời kỳ của startup khi họ “tìm được người đồng hành, hỗ trợ kỹ năng, kiến thức quản trị và quỹ đầu tư tài chính phù hợp”.
Rất nhiều nội dung đã được báo cáo và thảo luận tại Hội nghị. Các nội dung chính bao gồm “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động nghề nghiệp tài chính, kế toán-kiểm toán”; “Triết lý Toyota và ứng dụng sáng tạo trong cung ứng hàng hoá: Kinh nghiệm của Công ty Toyota Việt Nam”; “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong Hoá đơn điện tử”; “Giữ chân nhân tài trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ” và “Các nhân tố tác động tới kết quả hoạt động đổi mới trong các doanh nghiệp phát điện Việt Nam”.
Các đại biệu tại hội thảo đặc biệt thích thú những video clip giới thiệu về "cải tiến liên tục" trong phương thức vận chuyển - logistic nội bộ, được áp dụng tại Công ty Toyota. Đại diện Công ty Toyota Việt Nam cho biết tinh thần đổi mới sáng tạo và hợp tác của Toyota đã vượt ra ngoài phạm vi một khu vực hay một nhóm làm việc, ảnh hướng đến toàn bộ chuỗi giá trị của Toyota từ sản xuất, cung ứng và phân phối. Kết quả là, năm 2018, Toyota đã nâng sản lượng hàng năm lên con số 50.000 xe, so với 16.000 xe năm 1996 mà không cần đầu tư thêm bất cứ hệ thống sản xuất nào. 
CMCN 4.0 đang hiện hữu và tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực, mọi doanh nghiệp và người dân. Do vậy, từ tư duy đến hành động của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và giáo dục, cộng đồng dân cư cần chuyển động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới để xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại. 
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cuối năm 2017, Việt Nam đã lên hạng thứ 55, tăng 5 bậc so với năm trước đó và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy, nâng cao hơn nữa để định vị thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng, mở rộng thị phần trong và ngoài nước vì phần lớn doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ và vừa (chiếm 97%), khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cũng như chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể…
Ngọc Diệp