[In trang]
Tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh: Nền tảng phát triển đô thị thông minh bền vững
Thứ năm, 13/12/2018 - 10:43
Tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng. Hiện dự thảo 5 TCVN trong lĩnh vực này đang trong quá trình góp ý, hoàn thiện để ban hành.
Tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng. Hiện dự thảo 5 TCVN trong lĩnh vực này đang trong quá trình góp ý, hoàn thiện để ban hành.
Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại hội thảo
Trong bối cảnh Việt Nam cần có một bộ tiêu chuẩn đô thị thông minh để định hình phát triển bền vững đô thị thông minh, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng nhằm hướng đến đô thị có tiêu chuẩn an toàn, an sinh tốt hơn an ninh được kiểm soát thì việc học tập kinh nghiệp, tìm kiếm giải pháp đang được các cơ quan chức năng liên quan xúc tiến mạnh mẽ.
Tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình thực hành tốt về đô thị thông minh của Việt Nam và một số thành phố trên thế giới" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức, những mô hình thực tiễn từ Singapore, Đài Loan đã được đề cập đến.
Ở góc độ một cơ quan được Chính phủ giao xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, trong khuôn khổ APEC SOM 3 năm 2017 tại TP.HCM, với vai trò là Chủ tịch Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Bộ KH&CN đã tổ chức một diễn đàn về đô thị thông minh, đây là cơ hội để các nền kinh tế cùng nhau chia sẻ, nắm bắt được thông tin cập nhật về định hướng phát triển tiêu chuẩn về đô thị thông minh từ các nền kinh tế APEC.
“Bộ KH&CN mà cụ thể là Tổng cục từ 2016 đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Đến nay, hệ thống TCVN phục vụ cho phát triển đô thị thông minh đã được hình thành và đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành và chuyên gia”, ông Hiệp cho biết.
Trong bối cảnh sắp tới, ông Hiệp nhận định Việt Nam sẽ triển khai đô thị thông minh một cách toàn diện ở các ngành, lĩnh vực. Do đó, Bộ KH&CN sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh sau đó có kế hoạch cụ thể để cho các bộ ngành xây dựng các tiêu chuẩn về các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ về đô thị thông minh như chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh...
"Mặc dù Việt Nam có cơ hội học tập kinh nghiệm từ các nước đã xây dựng tiêu chuẩn cũng như triển khai áp dụng và đánh giá tiêu chuẩn, song đây là một lĩnh vực mới, lại áp dụng nhiều thành tựu, sản phẩm công nghệ mới để quản lý thân thiện, hiệu quả hơn nên phải có sự tham gia của khoa học, công nghệ và đội ngũ chuyên gia”, ông Hiệp nói.
Hiện, dự thảo 5 TCVN đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lườn Chất lượng xây dựng trên cơ sở tham khảo ISO và BS.
Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lườn Chất lượng) cho biết, Từ năm 1962 đến 2018, đã có gần 20.000 TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) được công bố, riêng năm 2018 có khoảng trên 800 TCVN.
Có nhiều TCVN liên quan đến đô thị thông minh và bền vững trong một số lĩnh vực: môi trường, chất thải, công trình xây dựng, hệ thống quản lý, CNTT và truyền thông, nước sinh hoạt, năng lượng, điện, an toàn, giao thông, mã số mã vạch, nhận dạng dữ liệu tự động, trao đổi dữ liệu …
Các TCVN khung về đô thị thông minh sẽ được xem là cơ sở nền tảng thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 của Việt Nam.
Dự thảo tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh:
ISO 37100:2016, Đô thị và cộng đồng bền vững – Từ vựng:
Các thuật ngữ liên quan đến: Phát triển bền vững, khả năng phục hồi và sự thông minh; tổ chức, đô thị và cộng đồng; quản lý; chất lượng và sự phù hợp; chỉ số và chuẩn đo; hạ tầng và dịch vụ
ISO 37104, Phát triển bền vững cho cộng động – Hướng dẫn thực hiện trong thực tiễn tại các đô thị:
Hướng dẫn về áp dụng và duy trì hệ thống quản lý sự phát triển bền vững dựa trên các nguyên tắc của ISO 37101, kể cả ISO 37106 và ISO 37120;
Thiết lập khuôn khổ phương pháp luận đánh giá có hệ thống về các thành tựu của sự phát triển bền vững ở các đô thị.
ISO 37106:2018, Đô thị và cộng đồng bền vững – Hướng dẫn thiết lập mô hình hoạt động của đô thị thông minh cho cộng đồng bền vững:
Hướng dẫn cho các nhà lãnh đạo của các đô thị và cộng đồng thông minh về cách thức phát triển mô hình hoạt động mở, hợp tác, lấy người dân làm trung tâm và sử dụng kỹ thuật số cho đô thị của mình để đưa vào thực hiện tầm nhìn của đô thị cho tương lai bền vững;
Tập trung vào các quá trình cho phép sử dụng sáng tạo công nghệ và dữ liệu kết hợp với sự thay đổi về tổ chức để có thể giúp cho mỗi đô thị có được tầm nhìn cụ thể cho tương lai bền vững theo những cách thức có hiệu lực, hiệu quả và linh hoạt hơn'
Cung cấp các công cụ mà các đô thị có thể triển khai khi thực hiện tầm nhìn, chiến lược và chương trình chính sách đã được các đô thị xây dựng sau khi áp dụng ISO 37101;
Các đô thị chưa cam kết triển khai áp dụng hệ thống quản lý theo ISO 37101 cũng có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần nội dung quy định của tiêu chuẩn này.
ISO 37122, Phát triển bền vững cho cộng đồng – Các chỉ số đối với đô thị thông minh:
ISO 37122 bổ sung cho ISO 37120 và thiết lập các chỉ số và định nghĩa về các chỉ số và các phương pháp luận để đo lường và xem xét các khía cạnh và thực hành nhằm giúp các đô thị cải thiện kết quả bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường.
PAS 183:2017 Đô thị thông minh – Hướng dẫn thiết lập khung ra quyết định để chia sẻ dữ liệu và dịch vụ thông tin:
Hướng dẫn về việc thiết lập khung ra quyết định đối với việc chia sẻ dịch vụ dữ liệu và thông tin tại các đô thị thông minh;
Hỗ trợ một cách tiếp cận minh bạch để đưa ra các quyết định và tạo lập các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cụ thể nhằm nhận thức đầy đủ về các lợi ích và giá trị của các dịch vụ dữ liệu và thông tin trong một đô thị.
Theo Chất lượng Việt Nam