[In trang]
Khoa học và công nghệ - Đóng góp quan trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Thứ tư, 30/01/2019 - 13:19
Ngày 21/1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019.
Ngày 21/1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, sở KH&CN, các viện, trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp…
Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo kết quả hoạt động KH&CN năm 2018, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, năm 2018, với sự định hướng đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đất nước ta đã có những bước phát triển quan trọng và toàn diện; hoàn thành đạt và vượt kế hoạch 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thành công chung của đất nước, KH&CN và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, KH&CN chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Nhiều sản phẩm đã được thiết kế, chế tạo thành công đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu như: Dây chuyền sản xuất nhà thép nhẹ tiền chế; chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo; chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang;...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại hội nghị
Cho rằng hoạt động KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng thể hiện rõ nét vai trò quan trọng, động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hoạt động KH&CN đã được cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh đánh giá là nhân tố quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2017 yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 30% trong tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh, trong đó tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 25%. Tốc độ đổi mới công nghệ trung bình 15%/năm. Riêng năm 2018, Hà Tĩnh có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn đến nay đạt 158 xã (chiếm 68,9% tổng số xã trên toàn tỉnh) và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Dẫn chứng sinh động về những đóng góp của KH&CN, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - chia sẻ, Bắc Giang hiện nay đã có 71 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 163 cánh đồng mẫu, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả với diện tích 48.300ha; nhiều mô hình có quy mô lớn với hàng chục hécta tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đặc biệt, với 8 sản phẩm chủ lực được tỉnh công nhận hàng năm đã tạo ra giá trị gia tăng lớn nhờ ứng dụng KH&CN. Ví dụ, sản phẩm vải thiều với diện tích gần 29.000ha, năm 2017 cho thu nhập 5.300 tỷ đồng, năm 2018 cho thu nhập 5.800 tỷ đồng, đây là minh chứng rõ nhất về hiệu quả ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp.
Quan tâm, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) - bày tỏ, trong bối cảnh hiện nay, trước sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động KH&CN chính là động lực thúc đẩy hoạt động “sản xuất thông minh” đồng thời là nền tảng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng. Trong tiến trình phát triển vào những năm tiếp theo của mình, THACO tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN không những cho ô tô mà còn cho các ngành cơ khí, nông nghiệp và các ngành khác.

Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải - phát biểu tại hội thảo
“THACO rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Bộ KH&CN và Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là có các chính sách khuyến khích phát triển KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D)” - ông Phạm Văn Tài nói.
Đại diện Tập đoàn Việt - Úc, nhiều vấn đề được giải quyết toàn diện bằng việc ứng dụng KH&CN. Đặc biệt, sự phát triển KH&CN mang lại các công nghệ, giải pháp thiết thực cho ngành thủy sản từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, cũng như mở ra cơ hội lớn để đưa ngành thủy sản Việt Nam lên một tầm cao mới.
Trên cơ sở đó, đại diện Tập đoàn Việt - Úc kiến nghị, Bộ KH&CN cần làm đầu tàu để kết nối các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, viện, trường trong và ngoài nước với doanh nghiệp để thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới và ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa vào KH&CN. Thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút và lan tỏa công nghệ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu nhiều kết quả nổi bật của ngành KH&CN. Năm 2018, chỉ số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế tăng cao nhất từ trước tới nay (25%); chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc (xếp vị trí 45/126 quốc gia) và mới đây nhất là vệ tinh MicroDragon phóng thành công vào quỹ đạo...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc ngành “không ngủ quên trên chiến thắng” khi Việt Nam vẫn đang ở nhóm nước có thu nhập thấp và thuộc 58 quốc gia và nền kinh tế non trẻ, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận ở nhiều văn bản, nghị quyết đề cập KH&CN là động lực, quốc sách hàng đầu, nhưng khi triển khai vẫn chưa thực sự là động lực và quốc sách; Cơ chế tài chính hiện đã cải tiến nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà và còn bất cập.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng băn khoăn làm sao để có những chính sách thúc đẩy hơn nữa doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho KH&CN; để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo, có nhiều viện nghiên cứu tư nhân... Bên cạnh đó, sau khi doanh nghiệp đầu tư, cần có đầu mối để sản phẩm có hàm lượng khoa học được tiếp cận thị trường…
Theo Báo Công Thương