[In trang]
Thái Nguyên: Cần huy động nhiều nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ
Thứ tư, 12/06/2019 - 15:30
Nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của quốc gia hay mỗi địa phương.
Nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của quốc gia hay mỗi địa phương. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã rất quan tâm và ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch về KH&CN, coi đây là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vựa này tăng lên hàng năm nhưng chưa thể đáp ứng được yêu cầu và theo kịp tiến trình phát triển về KH&CN của tỉnh.

Phòng nuôi cấy mô tại Công ty cổ phần Khoa học sự sống, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên).
Hiện tại, ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính cho hoạt động KH&CN của tỉnh, chiếm khoảng 65%-70%. Trên lý thuyết, tài chính cho hoạt động KH&CN đến từ 3 nguồn: Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Thời gian qua, ngân sách đầu tư của tỉnh cho lĩnh vực này đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2017 là trên 26 tỷ đồng; 2017 là 27 tỷ đồng và năm 2019 tăng lên 37 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực cho hoạt động KH&CN. Đó là kinh phí đối ứng từ phía doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, việc huy động các nguồn lực cho hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp. Mặc dù theo quy định của Luật KH&CN (năm 2013) quy định, doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài Nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp hoặc đóng góp vào Quỹ của tỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1/30 doanh nghiệp Nhà nước thành lập được Quỹ phát triển KH&CN và có báo cáo với Sở KH&CN là Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên. 
Mặc dù trong thời gian gần đây, hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất của tỉnh đang từng bước cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, với xu thế cạnh tranh và hội nhập, chuỗi sản xuất chế biến giữa các doanh nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ thế hệ mới, mở ra cơ hội và thách thức rất lớn buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tạo lập và hình thành Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp mình. Theo quy định, nguồn quỹ này được sử dụng vào các việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ phát triển KH&CN, đào tạo nhân lực, hoạt động hợp tác về KH&CN và quản lý quỹ của doanh nghiệp.
Việc đầu tư cho KH&CN chính là đầu tư cho phát triển lâu dài của tỉnh. Trong điều kiện của đất nước và của địa phương, nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, do vậy việc quan tâm đầu tư vốn cho KH&CN phải được chú trọng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Quan tâm đến vấn đề xã hội hóa các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực,..) cho phát triển KH&CN. Trong đó, vai trò của ngân sách Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo, đồng thời vốn của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, nhất là trong việc đầu tư tiềm lực cho KH&CN, mở rộng thị trường KH&CN và trong việc đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ đào tạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với việc đầu tư cho KH&CN. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về KH&CN để khuyến khích và thu hút các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư vào KH&CN.
Theo Báo Thái Nguyên