[In trang]
Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam
Thứ tư, 03/07/2019 - 17:01
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi tốc độ tăng trưởng GDP đã dần chững lại trong bối cảnh tài nguyên bắt đầu cạn kiệt. Và điều này, đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo trong nước nhằm tăng trưởng kinh tế. Đứng trước yêu cầu này, bài viết phân tích các nội dung sau: Những hạn chế trong đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; và những giải pháp khắc phục.
TÓM TẮT:
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi tốc độ tăng trưởng GDP đã dần chững lại trong bối cảnh tài nguyên bắt đầu cạn kiệt. Và điều này, đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo trong nước nhằm tăng trưởng kinh tế. Đứng trước yêu cầu này, bài viết phân tích các nội dung sau: Những hạn chế trong đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; và những giải pháp khắc phục.
Từ khóa: Năng lực đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp.
Hạn chế trong đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt
1.1. Đầu tư cho đổi mới sáng tạo chưa hợp lý
Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu được huy động từ “vốn tự có” (khoảng 2/3 tổng đầu tư cho đổi mới công nghệ) và khoảng 1/3 từ vốn vay tín dụng. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước về đổi mới sáng tạo và nâng cấp công nghệ còn thấp với lượng các doanh nghiệp được hưởng các chính sách về tín dụng hay chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chỉ từ 10% đến 17%. Đáng chú ý tỷ lệ các doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chỉ 3% đến 6%. Lý do cho tỷ lệ này thấp là do doanh nghiệp chưa biết về các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Thêm vào đó các hình thức hỗ trợ chưa sát với nhu cầu của doanh nghiệp; quy trình xét duyệt quá phức tạp cùng việc doanh nghiệp không biết bắt đầu “từ đâu” để liên hệ xin hỗ trợ.
Đồng thời, hiện nay đang có một nghịch lý là doanh nghiệp càng lớn thì càng nhận được nhiều hỗ trợ. Trong khi đó chính sách của ta khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Khi nhìn vào từng hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thì hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nỗ lực chiếm lĩnh “phần ngọn” thay vì đầu tư vào “phần gốc”. Một tỉ lệ rất lớn các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới quy trình thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc thông qua “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39.3%), trong khi đó chuyển giao công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các tổ chức khác ngoài công lập đều dưới chỉ ở mức 0,3% và 0,6%. Nghĩa là các doanh nghiệp chỉ mua công nghệ về áp dụng chứ không/ ít có cải tiến, nghiên cứu. Tỷ lệ các doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ KH&CN chỉ 3% đến 6%.
Điều này được thể hiện rõ trong cơ cấu bình quân kinh phí chi các hoạt động phục vụ đổi mới sáng tạo năm 2017 của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng nghiêng chủ yếu về mua sắm công nghệ, máy móc và thiết bị (65.5%), còn mua lại các kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khác chỉ chiếm 0.8%, mua quyền phát hành, bản quyền, sáng chế cũng chỉ chiếm 3,4%. Ở khía cạnh này, Việt Nam đứng chót hoặc gần chót bảng so với 12 nước được so sánh.
1.2. Số lượng doanh nghiệp chưa quan tâm đến đổi mới sáng tạo chiếm gần 50%
Trên cơ sở 7.641 phiếu điều tra cho thấy số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 61,63%, số doanh nghiệp không có hoạt động này chiếm 37,18% và chỉ có 1,19% số doanh nghiệp không xác định được mình thực sự đã có đổi mới sáng tạo. Điều này cho thấy mặc dù đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích không nhỏ cho các doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này.
Thậm chí đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) - hoạt động chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Điều này thể hiện ở tỷ lệ doanh thu dành cho hoạt động R&D thấp so với các nước cùng khu vực.
1.3. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đại học, tổ chức nghiên cứu còn mờ nhạt
Những con số nói trên phần nào phản ánh năng lực và mối liên kết của các trường, tổ chức nghiên cứu đối với khu vực doanh nghiệp. Ở các nước phát triển, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các nghiên cứu để cung cấp những thông tin hữu ích trên đây cho doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam hoạt động này còn lẻ tẻ, manh mún. Nhiều trường đại học đã có những nghiên cứu mang tính ứng dụng nhưng những nghiên cứu này lại không có địa chỉ sử dụng cụ thể. Chất lượng đào tạo ở các trường đại học vẫn còn hạn chế, thiếu tính gắn kết với thực tế, khiến nhân lực được đào tạo ra thiếu trình độ và khả năng tích cực tham gia vào những hoạt động đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong xã hội.
Trong khi thực lực của các doanh nghiệp chưa đủ vững để nghiên cứu phát triển sản phẩm, doanh nghiệp thì vẫn rất đói công nghệ, mà tỉ lệ chuyển giao chỉ dưới 1% có nghĩa là cần đặt lại năng lực nghiên cứu của các trường, tổ chức nghiên cứu. Hoặc là các trường, các tổ chức làm ra sản phẩm nhưng không có gì để mua, hoặc là các trường, tổ chức nghiên cứu chưa có kết quả có thể bán được. Trong khi đó, chúng ta đầu tư rất nhiều cho các đề tài KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước nhưng khả năng hỗ trợ cho các trung tâm của đổi mới sáng tạo lại không cao.
1.4. Năng lực nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp chưa cao
Chỉ có 6-10% nhân viên trong tổng số nhân viên làm việc có liên quan đến đổi mới sáng tạo. Về mức độ sáng tạo của nhân viên trong doanh nghiệp, 56% doanh nghiệp đánh giá khả năng sáng tạo của nhân viên là yếu. Không có doanh nghiệp nào đánh giá nhân viên rất sáng tạo. Các doanh nghiệp thiếu hệ thống đánh giá năng lực nhân viên về đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều có quy định về khen thưởng nhân viên có sáng kiến, song số được khen thưởng rất ít. Nguyên nhân được nhận định là do mức chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo hàng năm còn ít.
Theo nghiên cứu của VERP, số lượng doanh nghiệp đầu tư dưới 100 triệu đồng cho việc đào tạo nhân lực chiếm đa số 47% tổng số doanh nghiệp. Với mức từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì có 34%, mức 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng chỉ có 7% còn mức trên 1 tỷ đồng là 12% chỉ dành cho các doanh nghiệp quy mô rất lớn.
Từ những phân tích trên có thể thấy, doanh nghiệp Việt có quan tâm và đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhưng năng lực còn yếu. Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến R&D, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Thực trạng này đặt ra nhiều nhiệm vụ để nâng cao đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
2. Giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam
Để có thể phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, trước tiên các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn, chấp nhận sự biến động của thế giới và tìm cách thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh hơn thông qua một số hoạt động.
Một là, đầu tư nguồn lực về con người và tài chính cho hoạt động R&D để tìm ra những đổi mới thiết thực với đơn vị của mình. Cụ thể như việc thành lập mới hoặc củng cố, đầu tư phát triển các tổ chức R&D đã có trong doanh nghiệp, ví dụ: Viện, trung tâm, phòng R&D, phòng thí nghiệm, trạm thực nghiệm… và đăng ký hoạt động khoa học công nghệ với cơ quan chức năng của Nhà nước (Bộ Khoa học công nghệ, Sở Khoa học công nghệ các tỉnh, thành phố). Củng cố bộ máy tổ chức, nhân lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức R&D hiện có của doanh nghiệp theo hướng thiết thực và hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tích cực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch R&D, đổi mới công nghệ theo chiến lược và các mục tiêu phát triển riêng. Trên cơ sở chiến lược phát triển doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm và các mục tiêu trước mắt và lâu dài đặt ra của doanh nghiệp, mà tổ chức R&D của doanh nghiệp phải phối hợp cùng với các bộ phận có liên quan trong doanh nghiệp, như: Kế hoạch, kinh doanh, marketing… để đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch R&D, kế hoạch đổi mới công nghệ trước mắt cũng như trong dài hạn, tập trung vào những lĩnh vực sản xuất chủ lực và những lĩnh vực có lợi thế so sánh của doanh nghiệp. Hoạt động đổi mới sáng tạo là một quá trình mang tính lâu dài, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt đầu có nhận thức và đầu tư ngay từ bây giờ để bắt kịp xu thế của thế giới.
Hai là, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn kết hơn giữa con người với con người, giữa các phòng ban với nhau để hoạt động đổi mới đi đúng hướng và có hiệu quả nhanh, mạnh nhất. Các doanh nghiệp cần phải loại bỏ tư tưởng ngại thay đổi trong văn hóa của doanh nghiệp mình, khuyến khích những sáng tạo mới, xây dựng một văn hóa linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Ba là, tăng cường hợp tác với các tổ chức bên ngoài để được tư vấn chiến lược thay đổi công ty hoặc để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tăng cường hợp tác còn giúp kiến tạo nên một hệ thống đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực toàn hệ thống doanh nghiệp trong nước. 
Ngoài những giải pháp thay đổi từ bản thân nội bộ doanh nghiệp này, Chính phủ cũng cần có một số chủ trương, chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Cụ thể:
Chính phủ cần tạo lập các chính sách, pháp luật và đòn bẩy kinh tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp như: thành lập hệ thống quỹ đổi mới, sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ… Các nội dung hỗ trợ cần cụ thể hơn và tập trung vào những gì doanh nghiệp cần, đi vào thực chất và hết sức tránh hình thức hay manh mún. Việc xây dựng và thực thi chính sách cần có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan và địa phương để có sự đồng bộ và phát huy tác dụng, hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó là các chính sách để thúc đẩy và xây dựng nền văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp, qua đó, kích thích sự sáng tạo và say mê trong kinh doanh. Suy cho cùng, phát triển văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp sẽ tạo ra vai trò của các cá nhân, các tập thể có trí tuệ và sự say mê sáng tạo vô tận để tạo ra các sản phẩm độc đáo, khác biệt, có giá trị gia tăng cao, góp phần to lớn thúc đẩy tăng trưởng tại chính các doanh nghiệp và qua đó, từng bước hình thành nền kinh tế tri thức ở nước ta hiện nay.
Tóm lại, hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới, trong khi xu thế phát triển của thế giới đang thay đổi mạnh mẽ từng ngày. Các doanh nghiệp, trong đó vai trò của các lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng, cần phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề này và chủ động thay đổi doanh nghiệp mình cho phù hợp với thời cuộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tóm tắt báo cáo đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới.
2. Quang Lộc (2018), Hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp - Kỳ vọng vào hiệu quả, Tạp chí Công Thương.
3. Phạm Ngọc Minh (2014), Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
4. Phùng Xuân Nhạ, Lê Quân (2013), Nghiên cứu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
IMPROVING THE INNOVATIVE CAPACITY OF VIETNAMESE ENTERPRISES
Master. TRAN THUY LINH
Master. NGUYEN THI THANH HOA
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
Vietnam is facing an important turing point when the country’s GDP growth has slowed down due to its resource exhaustion. As a result, it is necessary for Vietnam to reform its economy to achieve the economic growth goals. This article is to analyze corporate innovation challenges and solutions to overcome these challenges. 
Keywords: Innovative capacity, enterprise.
ThS. TRẦN THÙY LINH - ThS. NGUYỄN THỊ THANH HOA
Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp