[In trang]
Tạo thuận lợi cho nghiên cứu khoa học cơ bản
Thứ năm, 11/07/2019 - 10:29
Hoạt động nghiên cứu cơ bản (NCCB) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Đồng thời, đây cũng là yếu tố sống còn để đào tạo những nhà nghiên cứu, chuyên gia xuất sắc cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ trực tiếp quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hoạt động nghiên cứu cơ bản (NCCB) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Đồng thời, đây cũng là yếu tố sống còn để đào tạo những nhà nghiên cứu, chuyên gia xuất sắc cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ trực tiếp quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), những năm gần đây, số lượng công trình nghiên cứu công bố quốc tế tăng hằng năm, hoạt động NCCB của Việt Nam đang từng bước vươn lên tiếp cận trình độ quốc tế. Năm 2018, số lượng bài báo khoa học, kỹ thuật của Việt Nam công bố quốc tế là 8.503 bài, tăng 37% so với năm 2017. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên, như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN (trong đó, công bố ISI của ngành Toán học đứng thứ nhất ASEAN và thứ bảy châu Á). TS Nguyễn Đức Tuấn (Viện Đại học Mở Hà Nội) cho rằng, các công bố khoa học của mỗi quốc gia được coi là thước đo trình độ phát triển KH và CN và sức cạnh tranh của một quốc gia. Nếu không chú trọng vào NCCB thì không có cách nào đưa một nước chậm phát triển về KH và CN trở thành một quốc gia có tiềm lực mạnh. Do đó, đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm sẽ tạo động lực cho các tài năng khoa học trẻ tập trung vào NCCB. Việt Nam có thể bắt kịp các nước trong khu vực nếu sản xuất được những hàng hóa cạnh tranh. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu có trình độ NCCB vững chắc và cao hơn họ. Cho nên, quốc gia muốn phát triển thì cần có nền khoa học NCCB đạt ngưỡng trung bình, nếu không sẽ không thể đuổi kịp các quốc gia khác, và luôn phải nhập công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Thống kê trên cơ sở dữ liệu từ nguồn của Scopus cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam ngày càng quan tâm tới hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, số lượng công trình công bố quốc tế của Việt Nam có tốc độ tăng ổn định. Tuy nhiên, so với quốc tế, số lượng nghiên cứu của Việt Nam vẫn còn thấp. Nhiều nhà khoa học cho biết, mặc dù Nhà nước đã có những ưu đãi cho NCCB, nhưng chưa đủ mạnh để có thể tạo động lực cho hoạt động NCCB. Các nhà khoa học trẻ thu nhập chưa phù hợp cho nên sẵn sàng bỏ việc hoặc chỉ làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. 
Chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Tuấn cho rằng, trong thực hiện các đề tài, thủ tục hành chính từ khâu đề xuất đề tài cho đến nghiệm thu rất phức tạp.Thu nhập có được từ nghiên cứu chưa phù hợp khiến nhà khoa học khó dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu. Nhiều nơi chỉ trả vài triệu đồng cho một bài báo khoa học, trong khi đó, thông thường để có được một bài báo, nhà khoa học phải nghiên cứu từ 10 tháng đến 16 tháng. Ở Việt Nam, cũng thiếu sự hỗ trợ nhà khoa học đăng ký sáng chế, phát minh, trong khi việc chậm đăng ký có thể khiến kết quả nghiên cứu bị đánh cắp. Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ chế, chính sách cần tập trung vào cải thiện môi trường làm việc, cải thiện thu nhập cho các nhà khoa học, từ đó mới giúp họ giữ được niềm say mê nghiên cứu. Đồng thời, cần hình thành các trung tâm nghiên cứu chất lượng cao, thu hút nhà khoa học giỏi, giao nhiệm vụ nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ.
Theo lãnh đạo Bộ KH và CN, Chính phủ đã và đang dành sự quan tâm cho NCCB, xây dựng chương trình phát triển NCCB có trọng tâm, trọng điểm trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà khoa học tiếp tục tập trung, phát triển nghiên cứu. Nhờ được tài trợ, đã có nhiều đề tài, dự án NCCB định hướng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đem lại hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học môi trường, vật liệu, hạt nhân và khoa học sự sống. Thời gian tới, cần thúc đẩy các chương trình tài trợ, hỗ trợ cho NCCB, giúp nâng cao số lượng công bố quốc tế của Việt Nam, tạo môi trường nghiên cứu cho nhà khoa học.
Theo Báo Nhân dân