[In trang]
Ngành Công Thương: Gắn khoa học với thực tiễn
Thứ tư, 17/07/2019 - 11:25
Thời gian qua, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương đã chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ cũng như ứng dụng thành công trên thực tế, đem lại hiệu quả lâu dài cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước.
Thời gian qua, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương đã chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ cũng như ứng dụng thành công trên thực tế, đem lại hiệu quả lâu dài cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước. 
Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) đưa ra dẫn chứng về lĩnh vực công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến. Cụ thể, các sản phẩm như thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh ung thư, rối loạn mỡ máu, tim mạch, viêm gan,... sản xuất từ đậu tương và cám gạo Việt Nam với giá thành khoảng 60 - 70% sản phẩm ngoại nhập; sản xuất thức ăn chăn nuôi mới như: thức ăn nuôi cá chình, ốc hương, cá tầm, cá hồi,.... đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, mang lại giá trị cao cho người sản xuất.

Mô hình trạm biến áp không người trực được ngành điện triển khai trên diện rộng
Hay trong lĩnh vực năng lượng, mô hình trạm biến áp không người trực cấp điện áp 110kV và 220kV được ngành điện triển khai trên diện rộng; ngành dầu khí triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, thống nhất định dạng các tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; một số công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bước đầu được triển khai áp dụng tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bia, thiết bị chiếu sáng, da giày...
Đặc biệt, hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm được đẩy mạnh. Giai đoạn 2017 - 2018, rất nhiều doanh nghiệp đã được đào tạo, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất hiện đại, trong đó, có trên 200 doanh nghiệp được xây dựng mô hình điểm, mang lại hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ những mô hình thành công này, phong trào năng suất đang được từng bước lan tỏa cho doanh nghiệp toàn ngành.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, xây dựng được chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại và thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Những minh chứng trên cho thấy hoạt động KH&CN của ngành Công Thương đã tập trung giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động KH&CN trong thời gian tới, cần tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao tiềm lực nghiên cứu.
Bởi thực tế hiện nay, các tổ chức KH&CN ngành Công Thương còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là máy móc, trang thiết bị. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư một số hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu quy mô pilot; đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chủ lực; lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ một số nhóm nhiệm vụ có quy mô lớn thuộc những ngành công nghiệp ưu tiên.
Mặt khác, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án KH&CN. Đồng thời, tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tăng cường sự liên kết giữa các nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu… hợp tác cùng nghiên cứu, triển khai và chuyển giao các đề tài khoa học đột phá, mang tính ứng dụng cao.
Theo Báo Công Thương