[In trang]
Chính sách tiếp cận nền sản xuất thông minh, sự khác biệt cơ bản đến từ ba nền kinh tế hàng đầu thế giới
Thứ năm, 26/09/2019 - 09:47
Một báo cáo mới đây từ Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin cho biết 10 quốc gia thống trị ngành sản xuất toàn cầu đặt mục tiêu duy trì và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng bằng các kế hoạch quốc gia nhằm số hóa lĩnh vực sản xuất.
Một báo cáo mới đây từ Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin cho biết 10 quốc gia thống trị ngành sản xuất toàn cầu đặt mục tiêu duy trì và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng bằng các kế hoạch quốc gia nhằm số hóa lĩnh vực sản xuất. 
Quốc gia khác nhau, tiếp cận khác nhau
Các nhà kinh tế từ lâu đã quan sát thấy rằng các quốc gia đang phát triển sử dụng công nghiệp hóa như một công cụ cho năng suất và tăng trưởng. Ngay cả các quốc giàu có cũng tìm cách đẩy mạnh sản xuất trong nước, bằng cách ưu đãi sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng lớn chưa từng có và áp dụng các chính sách công thúc đẩy sáng tạo. Một báo cáo mới đây từ Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin cho biết 10 quốc gia thống trị ngành sản xuất toàn cầu đặt mục tiêu duy trì và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng bằng các kế hoạch quốc gia nhằm số hóa lĩnh vực sản xuất. 
Nhìn kỹ hơn vào ba nước sản xuất đầu ngành để thấy cách tiếp cận khác biệt của họ về sản xuất thông minh và quản trị thông tin. Đó là Trung Quốc với phương pháp quản lý, Đức – phương pháp phối hợp, và Hoa Kỳ - phương pháp định hướng thị trường. 
PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ KIỂU TRUNG QUỐC 
Đến 2011 Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu về tổng giá trị gia tăng dù giá trị gia tăng trên đầu người chỉ tăng 1/10 vì dân số quốc gia này quá lớn. Về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc dẫn đầu thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc sản xuất trùng với thời điểm đất nước gia nhập WTO năm 2001. Tuy vậy, chính phủ sớm nhận ra chiến lược này không bền vững cũng như không đem đến thành công mà họ khao khát. 
Để tránh “bẫy thu nhập trung bình”, điều mà các nền kinh tế đang phát triển khác sớm sa lầy, chính phủ xác định mục tiêu nhanh chóng dẫn đầu trong sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao thông qua sản xuất thông minh. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch TRUNG QUỐC, đã lưu ý rằng “Cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra theo cấp số nhân chứ không phải theo tốc độ tuyến tính.”
Các tính chất cơ bản của phương pháp quản lý SẢN XUẤT THÔNG MINH  của quốc gia này là: 
  1. Tiếp cận từ trên xuống, chính phủ đặt ra mục tiêu dài hạn và can thiệp khi cần thiết để đạt được những mục tiêu đó;
  2. Các chính sách và thực thi đảm bảo các doanh nghiệp TRUNG QUỐC dẫn đầu thế giới;
  3. Quyền cá nhân là công cụ phục vụ cho mục tiêu quốc gia.
Các đặc điểm này có thể thấy rõ nhất trong kế hoạch sản xuất dài hạn của TRUNG QUỐC, trong việc phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, luật an ninh mạng mới và trong cách định hướng phát triển AI. 
Kế hoạch Made in China 2015
Năm 2015, TRUNG QUỐC công bố kế hoạch chiến lược Made in China 2015 (MIC2015) lấy cảm hứng từ sáng kiến chiến lược Công nghiệp 4.0 của Đức. Kế hoạch này bao gồm cả những mục tiêu vĩ mô (phần lớn nội dung tích hợp cho tất cả các ngành sản xuất) đến những nội dung cụ thể, và chủ yếu nhằm vào hỗ trợ công với mức độ lớn hơn nhiều so với cả Hoa Kỳ và Đức.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật
TRUNG QUỐC đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu cũng như vấn đề sở hữu trí tuệ. Đầu thế kỷ, các nhà máy sản xuất sử dụng công nghệ của nước ngoài để đổi lấy thị trường. Họ thay đổi chiến thuật khi nền kinh tế dần lớn mạnh và các kỹ thuật sản xuất phát triển tinh vi hơn. Chính phủ TRUNG QUỐC chủ động tham gia vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu có tầm quan trọng chiến lược, và tích cực viết lại các tiêu chuẩn công nghệ mới nhằm đem lại lợi ích cho các công ty trong nước. Sáng kiến Vành đai và Con đường được xem như một cách “xuất khẩu” các tiêu chuẩn của họ ra toàn thế giới. 
An ninh mạng
Luật an ninh mạng TRUNG QUỐC, có hiệu lực từ tháng 6 năm 2017, xây dựng tiền đề chủ quyền an ninh mạng quốc gia và chú trọng an ninh thông tin tự do và tự do ngôn luận. Bộ luật này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp quản lý mạng dữ liệu của họ (bao gồm cả email), và với những ngành trọng điểm bao gồm năng lượng, vận tải, nước, dịch vụ tài chính và dịch vụ công. Luật quy định các tổ chức phải lưu trữ dữ liệu chọn lọc trong lãnh thổ Trung Quốc (nội địa hóa dữ liệu), cấm thông tin và truyền dữ liệu về công dân Trung Quốc ra nước ngoài mà không có sự cho phép của chính phủ, và chính quyền Trung Quốc được phép tiến hành kiểm tra tại chỗ đối với các hoạt động mạng của bất kỳ tổ chức nào, bao gồm cả cung cấp mã nguồn. TRUNG QUỐC cũng cung cấp các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu, mô phỏng theo luật GDPR của EU, trong đó miêu tả chi tiết làm thế nào để nhận được sự cho phép khai thác thông tin các nhân từ người dân.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
TRUNG QUỐC không chỉ đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, mà có tham vọng quản trị AI thông qua phát triển các tiêu chuẩn, bao gồm tiêu chuẩn đạo đức và xã hội liên quan. Năm 2018, TRUNG QUỐC tạo ra một bản đồ AI liệt kê 23 tiêu chuẩn ngắn hạn quan trọng và 200 tiêu chuẩn khác đã ban hành hoặc đang phát triển.  
Tuy quyết tâm của chính quyền TRUNG QUỐC thể hiện mạnh mẽ như vậy, nhưng con đường tiến tới sản xuất thông minh của họ gặp phải trở ngại chính: chi phí vô cùng đắt đỏ, gấp nhiều lần so với Đức và Mỹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Đầu tiên, ngành công nghiệp sản xuất của TRUNG QUỐC lớn hơn nhiều so với Hoa Kỳ và Đức. Thêm vào đó, một tỷ lệ không nhỏ các cơ sở sản xuất của TRUNG QUỐC còn khá thô sơ. Do đó cần rất nhiều tài nguyên (vốn và thời gian) để chuyển đổi. Ngoài ra, phương pháp này tiềm ẩn tỷ lệ thất bại cao (do các quyết sách sai lầm). Và cuối cùng, TRUNG QUỐC cần thay đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp thị hiếu nước ngoài. Việc chế tạo xe ba bánh cho người tiêu dùng trong nước khác xa yêu cầu sản xuất những chiếc xe sang trọng và hiệu suất cao phục vụ thị trường EU hoặc Hoa Kỳ.
Liệu Trung Quốc có thể đạt được các mục tiêu dài hạn mà không cần đến những đòn bẩy mạnh từ đầu tư và công nghệ nước ngoài? Chắc là không. Liệu quốc gia này có thể tiếp tục thu hút vốn nước ngoài mà không cần các cải cách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường thực thụ? Nếu không, thì Trung Quốc phải xử lý vấn đề đau đầu nhất của mình: cải cách chính sách mà họ đang quyết tâm theo đuổi. 
PHƯƠNG PHÁP HỢP TÁC KIỂU ĐỨC
Nước Đức đã đứng đầu ngành sản xuất toàn cầu trong một thời gian dài. Quốc gia này có giá trị gia tăng trên đầu người cao nhất thế giới và đứng thứ tư về chi tiêu R&D. Thị phần sản xuất thuộc hàng cao nhất thế giới và duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ bất chấp các quốc gia công nghiệp khác đã suy yếu. Với cán cân thương mại sản xuất hàng hóa mạnh và tích cực, ngành sản xuất Đức định hướng xuất khẩu. Các sản phẩm được đóng mác made in Germany, đặc biệt là các chi tiết máy, được ngưỡng mộ trên toàn cầu và khiến các đối thủ chiến lược phải ghen tị.
Các yếu tố làm nên danh tiếng của nước Đức trong sản xuất bao gồm: 
  1. Lực lượng lao động kỹ thuật cao; 
  2. Mạng lưới chính sách và thể chế phong phú (ví dụ, các viện nghiên cứu Fraunhofer đặt trên khắp cả nước) cho phép các công ty duy trì năng suất cao; 
  3. Tinh thần doanh nghiệp cao, thể hiện rõ nét trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gọi là Mittelstand, là xương sống của nền kinh tế; 
  4. Và phương pháp quản lý chiến lược địa phương, hay Standortpolitik: mỗi tiểu bang, khu vực và thành phố có trách nhiệm vụ hoàn thành và duy trì sự thịnh vượng kinh tế. 
Tại Đức, cộng đồng địa phương hợp tác chặt chẽ với tiểu bang và liên bang để thực hiện nhiều chính sách quan trọng, như hệ thống học việc, các trường đại học kỹ thuật, viện tri thức dịch thuật và hỗ trợ từ Mittelstand. 
Tất cả những yếu tố này được phản ánh trong phương pháp tiếp cận sản xuất thông minh của Đức chính thức ra mắt năm 2013. Với tên gọi Industrie 4.0, sáng kiến này nhằm duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu trong sản xuất của nước Đức thông qua số hóa. Sáng kiến được dẫn dắt bởi chính phủ, bao gồm cả các công ty sản xuất, hiệp hội thương mại, tổ chức nghiên cứu, tổ chức lao động và học viện. Một nghiên cứu gần đây báo cáo có tới 159 tổ chức đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp hàng đầu.
Quản trị thông tin hỗ trợ sản xuất thông minh ở Đức (và EU) có đặc trưng là vai trò điều phối tích cực của chính phủ cùng với đóng góp quan trọng từ người dân và khu vực tư nhân. Qua đó có thể thấy sự tôn trọng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quyền riêng tư và thương mại điện tử và an ninh mạng. Quả thật nước Đức có thể được coi là tấm gương toàn cầu trong quản trị thông tin sản xuất thông minh.
Tiêu chuẩn kỹ thuật
Quốc gia châu Âu này đi đầu trong việc phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất thông minh. Sáng kiến Công nghiệp 4.0 phát triển “Mô hình kiến trúc tham chiếu cho Công nghiệp 4.0” (RAMI) hướng dẫn các tiêu chuẩn và khả năng tương tác được đánh giá là nghiêm ngặt và toàn diện.
Quyền riêng tư và thương mại kỹ thuật số
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng EU cần tìm vị trí của mình giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai thái cực giữa cá nhân hóa dữ liệu và nhà nước hóa dữ liệu. Đây là quốc gia EU đầu tiên áp dụng Quy định bảo vệ dữ liệu chung, có hiệu lực vào tháng 5 năm 2018. Theo GDPR, công dân EU kiểm soát cách thu thập, sử dụng và lưu trữ dữ liệu cá nhân của họ. Các công ty bên ngoài EU phải lựa chọn: chơi theo luật GDPR (sẽ bị phạt rất nặng nếu vi phạm) hoặc ra khỏi thị trường. Đây là cách EU gây ảnh hưởng lên các luồng dữ liệu toàn cầu.
An ninh mạng
Ảnh hưởng của Đức tới 28 thành viên thuộc Liên minh châu Âu không giống nhau và điều này thể hiện rõ trong an ninh mạng. Chỉ thị Mạng lưới Bảo mật Thông tin EU (NIS) được ban hành gần đây chủ yếu dựa vào luật an ninh mạng của Đức năm 2015.
NIS, có hiệu lực vào tháng 5 năm 2018, đang ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp ngoài EU chỉ thích tuân theo một tiêu chuẩn. Vận dụng định nghĩa về tiêu chuẩn Chăm sóc thỏa đáng tối thiểu của NIS, các công ty có thể tránh  khỏi các vụ kiện cáo buộc xử lý sai thông tin cá nhân.
Cách tiếp cận của Đức, dẫu vậy, có điểm yếu chí tử là không thể cạnh tranh với các nhà lãnh đạo toàn cầu như Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo một số nhà quan sát, ý định của Đức là tạo ra các quy tắc mà các quốc gia khác phải tuân theo. Ví dụ trong lĩnh vực AI, cách tiếp cận “trí tuệ nhân tạo đạo đức” mới của EU khác biệt với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều này  bảo đảm chỗ đứng của Đức giữa hai cường quốc cạnh tranh vị trí dẫn đầu này. Tuy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có lợi thế rất lớn về quy mô, nhưng Đức lại có môi trường sản xuất được kiểm soát tốt, và do đó, dễ dự đoán. Liệu nước Đức và EU có thể đóng vai trò dẫn đầu trong nghiên cứu AI thông qua quản trị như nó đã làm với quyền cá nhân và an ninh mạng?
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG KIỂU HOA KỲ 
Là quốc gia đứng thứ hai thế giới về giá trị gia tăng sản xuất, chi tiêu R&D và thứ tư về giá trị gia tăng bình quân đầu người, vị thế lãnh đạo trong sản xuất của Hoa Kỳ vẫn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Mặc dù tỷ trọng GDP tương đối ổn định qua nhiều thập kỷ, năng suất đã chững lại từ năm 2004 và có biểu hiện tiêu cực trong nhiều tiểu ngành. 
Phương pháp tiếp cận sản xuất thông minh của Hoa Kỳ đặc trưng bởi sự phụ thuộc chính vào thị trường và khu vực tư nhân. So với Đức và Trung Quốc, phương pháp này có ưu điểm là không cam kết quá sớm với bất kỳ cách tiếp cận nào có thể gây ra thất bại. Yếu tố này thể hiện rõ nhất qua chương trình Sản xuất Hoa Kỳ, xây dựng tiêu chuẩn, tạo ra các khuôn khổ tự nguyện về an ninh mạng và quyền riêng tư, thương mại kỹ thuật số và AI.
Sản xuất Hoa Kỳ 
Năm 2014, Quốc hội ban hành luật nhằm giải quyết những lo ngại về suy giảm khả năng cạnh tranh sản xuất của Hoa Kỳ, ví dụ giảm mạnh việc làm trong sản xuất ở thập niên đầu tiên của thế kỷ này tăng năng suất chậm từ năm 2004. Luật Tái sáng tạo Sản xuất và Sáng kiến Hoa Kỳ (RAMI) đã phê chuẩn thành lập Chương trình Sản xuất Hoa Kỳ, một chương trình liên bang hỗ trợ sự hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật để tập trung phát triển một số công nghệ tiên tiến. Mục đích chương trình là tránh bẫy tử thần trong các công nghệ sản xuất tiền mã hóa và giúp các nhà sản xuất trong nước hưởng lợi từ các hoạt động R&D do chính phủ tài trợ.
Lấy cảm hứng từ các Viện Fraunhofer nổi tiếng của Đức, chương trình thiết lập 14 viện rải rác trên cả nước. Mỗi viện có một nhà tài trợ liên bang và được bên thứ ba quản lý, thường là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập bởi một trường đại học. Mỗi viện tập trung vào lĩnh vực công nghệ cụ thể. Ví dụ, sản xuất thông minh là trọng tâm của Viện Đổi mới Thiết kế và Sản xuất Kỹ thuật số (DMDII), có trụ sở tại Chicago, được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng (DoD) trong khi đó Viện Đổi mới Sản xuất Thông minh Năng lượng Sạch (CESMII) đóng tại Los Angeles được tài trợ bởi Bộ Năng lượng. Mỗi viện được phê duyệt tài trợ từ 70 đến 110 triệu USD trong 5 năm. Nguồn vốn do Quỹ Liên bang đối ứng với các nguồn tài trợ cá nhân với tỷ lệ tối thiểu 1:1. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này không vượt quá 1:2.
Tiêu chuẩn kỹ thuật
Hoa Kỳ không có một chiến lược quốc gia chính thức về tiêu chuẩn sản xuất thông minh ngoài việc tạo điều kiện sáng tạo và chào đón những giải pháp tốt nhất. Những sáng kiến tích cực đến từ nhiều nhóm và tổ chức, gồm tổ chức chính phủ như Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST), tổ chức phát triển tiêu chuẩn như Phòng thí nghiệm Underwriters,  viện nghiên cứu như DMDII và CESMII từ Chương trình Sản xuất Hoa Kỳ, và các công ty tư nhân. Nhìn chung, Hoa Kỳ khuyến khích cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận - tự nguyện, nơi các cơ quan chính phủ tham gia khi được doanh nghiệp. Việc thiếu một chiến lược quốc gia không đảm bảo mức độ đầu tư chắc chắn so với phương pháp của Trung Quốc hay của Đức.
An ninh mạng và quyền riêng tư
Hiện tại, Hoa Kỳ không áp đặt các yêu cầu an ninh mạng đối với các nhà sản xuất trong nước. Các công ty muốn tiến hành thẩm định có thể tham khảo Khung bảo mật an ninh mạng của NIST từ hướng dẫn của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Sáng kiến Không thỏa hiệp của DoD.
Khung NIST ra đời từ sự phản kháng của khu vực tư nhân đối với các luật hoặc quy định bắt buộc. Chính quyền Obama cho phép NIST bắt tay với ngành công nghiệp phát triển khung bảo mật cho phép rủi ro dựa trên các thực hành tốt nhất có thể áp dụng cho các công ty ở mọi loại hình không giới hạn trong sản xuất. Từ khi được phát triển lần đầu tiên vào năm 2014 và sửa đổi mới nhất vào tháng 4 năm 2018, đây được xem là bộ khung tiêu chuẩn về an ninh mạng.
FTC có thẩm quyền tạo ra các quy tắc ngăn chặn hành vi không công bằng hoặc lừa đảo của các công ty kinh doanh trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Cho đến nay, Ủy ban chỉ hành động phản ứng với các hành vi xấu: phạt các công ty có hoạt động an ninh mạng không phù hợp với quảng cáo hoặc trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng.
Từ báo cáo về các lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng đặc biệt là các công ty nhỏ, DoD đang thực hiện các bước nâng cao tiêu chuẩn mạng bằng việc yêu cầu các nhà thầu lớn nhất đảm bảo các nhà cung cấp nhỏ hơn phải tuân thủ các nguyên tắc thực hành. Nỗ lực gần đây nhất là Sáng kiến Giao hàng không thỏa hiệp xây dựng dựa trên ba trụ cột của nguồn cung ứng, giá cả-giao hàng-hiệu suất, được thêm một trụ cột thứ tư: bảo mật.
Về quyền riêng tư, NIST đã bắt đầu phát triển một khung tự nguyện bảo vệ quyền riêng tư được mô phỏng theo khung an ninh mạng tính đến rủi ro. 
Thương mại điện tử
Tổng thống Trump đã thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tăng cường sản xuất của Hoa Kỳ dựa trên lập luận rằng “các thỏa thuận thương mại bất cẩn và không công bằng” phần nào gây ra tình trạng sản xuất giảm sút của Hoa Kỳ hiện nay. “Hệ thống quản trị của tôi sẽ sửa chữa những sai lầm này và đảm bảo một sân chơi bình đẳng để ngành sản xuất của Hoa Kỳ tiến lên. Động lực, sự khéo léo và đổi mới của người Hoa Kỳ cuối cùng sẽ chiến thắng”, ông nhấn mạnh. 
Nỗ lực rõ ràng của chính quyền Trump là thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Hoa Kỳ (NAFTA) bằng đề xuất (chưa được thông qua chính thức) gọi là Thỏa thuận Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA). USMCA không chỉ phản ánh cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với sản xuất thông minh mà còn đối lập với phương pháp tiếp cận của Trung Quốc. Thỏa thuận bao gồm cam kết của tất cả các bên về việc đảm bảo luồng thông tin tự do; công khai các bộ dữ liệu lớn của chính phủ, điều này sẽ làm cho AI phát triển nhanh chóng; bảo vệ mã nguồn và các thuật toán; và đấu tranh cho các tiêu chuẩn kỹ thuật dựa trên sự đồng thuận. 
Nó cũng tính đến các điều khoản giải quyết cơ chế được Trung Quốc sử dụng để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước; gồm việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước (nhấn mạnh tính minh bạch), thao túng tiền tệ (cấm), yêu cầu nội địa hóa dữ liệu (cấm) và các hiệp định thương mại với các nền kinh tế phi thị trường (yêu cầu trước tiên là tham khảo qua các bên ký kết USMCA).
AI
Chính quyền Trump coi việc dẫn đầu trong ngành AI là ưu tiên số một. Tổng thống Hoa Kỳ tạo ra một ủy ban AI thuộc Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia và tại Hội nghị thượng đỉnh Nhà Trắng mùa xuân năm 2018, ông nhấn mạnh các hành động của chính quyền, bao gồm: 
  1. Ưu tiên tài trợ cho R&D; 
  2. Loại bỏ các rào cản pháp lý cho đổi mới; 
  3. Đào tạo lực lượng lao động Hoa Kỳ trong tương lai; 
  4. Giành lấy lợi thế quân sự chiến lược; 
  5. Thúc đẩy ứng dụng AI cho các dịch vụ của chính phủ;
  6. Lãnh đạo các cuộc đàm phán AI quốc tế. 
Gần đây nhất, tổng thống đã ban hành lệnh đảm bảo sự phối hợp liên ngành AI, bao gồm kế hoạch NIST phát triển các tiêu chuẩn AI và một Văn phòng Quản lý và Kế hoạch Ngân sách Điều lệ.
Cách tiếp cận theo định hướng thị trường của Hoa Kỳ được coi là thúc đẩy đổi mới nhưng cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà phê bình cho rằng Hoa Kỳ đang nhường quyền lãnh đạo quản trị thông tin cho các quốc gia hoặc khu vực khác trên thế giới. Lập luận của họ là các công ty toàn cầu đang tuân thủ một tiêu chuẩn chung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yêu cầu khắt khe tại những quốc gia mà họ đang hoặc muốn hoạt động. Một số người cho rằng Hoa Kỳ đang tự làm mất cơ hội thiết lập luật lệ trong cuộc chơi quản trị thông tin và sẽ mất đi ưu thế lớn. Bởi quốc gia lãnh đạo quản trị thông tin sẽ tạo ra lợi thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, giúp các công ty của họ chiếm ưu thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ.
Trong lĩnh vực này, thiếu sự lãnh đạo từ phía liên bang đã gây ra một số vấn đề. Ví dụ, các bang đã phát triển bộ quy tắc riêng để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, như California, tạo ra một sự không đồng nhất về luật giữa các tiểu bang khiến cho thương mại liên bang trở nên khó trơn tru hơn.
Tạm kết 
Mỗi quốc gia sử dụng phương pháp tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu của mình. Sự lựa chọn của họ phản ánh các yếu tố của mỗi nền văn hóa, xã hội và chính trị thay đổi theo thời gian. 
Trong số các cách tiếp cận sản xuất thông minh khác nhau của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức, chưa rõ phương pháp nào sẽ hiệu quả nhất. Do đó các chuyên gia tin rằng để cải biến ngành sản xuất theo hướng số hóa hoàn toàn, chính phủ các nước cần linh hoạt và phối hợp giữa các khu vực của nền kinh tế nhằm tận dụng tốt nhất các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình này.  
Hương Giang lược dịch (Theo Issues)