[In trang]
Tìm cơ chế để các quỹ khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả
Thứ sáu, 04/10/2019 - 17:12
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đang quản lý hai quỹ thực hiện các nhiệm vụ đầu tư có tính đặc thù cho nghiên cứu khoa học (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia - Nafosted) và phát triển công nghệ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia - Natif). Quá trình hoạt động cho thấy, còn nhiều vướng mắc cần giải quyết để hai quỹ này hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển cho nền KH và CN nước nhà.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đang quản lý hai quỹ thực hiện các nhiệm vụ đầu tư có tính đặc thù cho nghiên cứu khoa học (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia - Nafosted) và phát triển công nghệ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia - Natif). Quá trình hoạt động cho thấy, còn nhiều vướng mắc cần giải quyết để hai quỹ này hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển cho nền KH và CN nước nhà.
Cán bộ Công ty Chế biến dừa Lương Quới kiểm tra dây chuyền sản xuất.
Bài 1: Chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng
Nguyên nhân chính mà hai quỹ nêu trên hoạt động hiệu quả không cao như mong đợi là do chưa có cơ chế đặc thù, nhất là việc hướng dẫn về quản lý nguồn vốn cho vay; bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ lãi suất vay; chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bổ sung cho nguồn vốn của quỹ... Do vậy, các quỹ hiện vẫn đang hoạt động như các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) khác, chưa chứng tỏ được tính ưu việt và sự thành công của mô hình quỹ.
Quỹ KH và CN được thành lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ đầu tư có tính đặc thù cho nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo ra công nghệ có khả năng áp dụng vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp. Bởi vậy khi hai quỹ Nafosted và Natif đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vướng mắc trong các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước với ngành KH và CN, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước. Thực tế, Quỹ Nafosted chỉ thông thoáng hơn các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về quy trình, thẩm quyền phê duyệt, nhưng vẫn phụ thuộc vào nguồn NSNN và chỉ được bố trí tổng kinh phí hằng năm sau khi các kế hoạch tài chính theo chương trình tài trợ được phê duyệt. Còn đối với Natif, hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải ngân do thiếu hành lang pháp lý vận hành quỹ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng cho biết, công ty đang triển khai dự án nghiên cứu sản xuất đông trùng hạ thảo với tổng kinh phí lên tới 30 tỷ đồng, trong đó Quỹ Natif cam kết hỗ trợ 8,9 tỷ đồng và sẽ giải ngân theo tiến độ của dự án. Đến nay, đơn vị đã phát triển tới chín loại sản phẩm và mỗi tháng sản xuất được khoảng một triệu đơn vị sản phẩm bán ra thị trường (gấp năm lần mục tiêu mà quỹ đề ra)… thế nhưng gần hai năm nay, nhiều hạng mục được triển khai theo đúng tiến độ mà vẫn không thể nhận được số tiền mà Quỹ Natif cam kết hỗ trợ. Để dự án được tiếp tục triển khai, doanh nghiệp phải đi vay tiền để bù vào và cũng chưa biết làm thế nào để có thể lấy được số tiền “ứng” trước cho khoản hỗ trợ mà đáng lẽ doanh nghiệp phải được nhận từ lâu.
Nhiều doanh nghiệp khi nộp hồ sơ vào Quỹ Natif chia sẻ, việc xét duyệt dự án mất rất nhiều thời gian, với những trình tự, thủ tục và qua các hội đồng xét duyệt. Lãnh đạo Công ty Chế biến dừa Lương Quới cho rằng, Bộ KH và CN, Quỹ Natif cần có giải pháp rút ngắn thời gian, hỗ trợ về mặt thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp vì nhiều khi sự ra đời của sản phẩm mang tính quyết định cho sự thành công của dự án. TS Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH và CN) cho rằng: Doanh nghiệp thường cần ý tưởng, công nghệ để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và sẵn sàng đầu tư, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và kinh nghiệm của nhà khoa học. Nhưng thực tế khi nhận được hỗ trợ thì doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong vấn đề giải ngân. Như việc khi doanh nghiệp nhận được báo giá (thường chỉ có giá trị trong vài tháng) nhưng phải mất cả năm trời để được chấp thuận và giải ngân. Thời gian quá lâu, thị trường có thể đã thay đổi giá, thậm chí có thể loại công nghệ đó đã không còn được sản xuất. Mặt khác, hiện kinh phí Nhà nước mới hỗ trợ một phần để mua dây chuyền công nghệ, nhưng do chậm giải ngân cho nên rất có thể, sau thời gian chờ đợi không thể mua được thiết bị đó, và thiết bị khác lại không phù hợp với dây chuyền... Theo một cán bộ của Quỹ Natif, những vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình nhận hỗ trợ là do hiện nay Quỹ chưa có được cơ chế đặc thù để hoạt động.
Còn với Quỹ Nafosted, trải qua hơn 10 năm hoạt động, được cộng đồng khoa học đánh giá cao về vai trò tích cực trong thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà. Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) Lê Trọng Lư khẳng định, sự hỗ trợ từ Quỹ Nafosted có vai trò rất quan trọng cho những nhóm nghiên cứu cơ bản, nhất là tiếp cận được với hình thức tài trợ từ nước ngoài với quy trình, thủ tục đơn giản và minh bạch, rõ ràng. Quỹ Nafosted chỉ đánh giá dựa trên trình độ khoa học của nhà khoa học từ “đầu vào” cho đến “đầu ra” dựa trên các công bố quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy vậy, một số nhà khoa học cho rằng còn có nhiều bài báo, công trình được công bố quốc tế, nhưng thực tế việc áp dụng các kết quả nghiên cứu của các công bố này vào sản xuất, phục vụ phát triển còn hạn chế. Mặt khác việc công bố còn ở những tạp chí xếp hạng thấp hơn, cho nên chưa phản ánh đúng được chất lượng nghiên cứu. Ngoài ra, việc xét duyệt đề tài mặc dù đã được thay đổi nhiều, trao quyền hạn lớn hơn cho hội đồng khoa học, nhưng vẫn còn vướng mắc khi nhà khoa học muốn thực hiện những đề tài kế tiếp, thời gian chờ đợi lãng phí sẽ làm chậm đi rất nhiều hiệu quả nghiên cứu. Chưa kể cách phê duyệt kinh phí đòi hỏi nhà khoa học khi mới có ý tưởng nghiên cứu đã phải lập thuyết minh, dự toán chi tiết của dự án, áp đặt định mức và khối lượng cụ thể… Trong khi đối với nghiên cứu khoa học, rất nhiều yếu tố không thể tính trước được và không thể có “định mức”. Cơ chế như vậy không phù hợp với nghiên cứu khoa học. Giám đốc Quỹ Nafosted Đỗ Tiến Dũng cho biết, một số vướng mắc trong quá trình thực hiện đề tài của các nhà khoa học đang được quỹ từng bước tháo gỡ và đã xây dựng, thực hiện những nhiệm vụ đặc thù nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các nhà khoa học.
THÔNG tin từ Bộ KH và CN cho thấy, Quỹ Natif chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, với số vốn điều lệ dự kiến được cấp là 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng thời gian qua tốc độ giải ngân rất chậm, đến năm 2018, mặc dù đã tiếp nhận được gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ, dự án đổi mới công nghệ, nhưng Ban quản lý quỹ mới chỉ ký hợp đồng tài trợ được cho 27 nhiệm vụ với tổng số kinh phí là 268,1 tỷ đồng. Lý giải về việc chậm chễ đó, Bộ KH và CN cho rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong tìm kiếm, tiếp cận công nghệ mới, không đủ nguồn nhân lực và tài chính để đổi mới công nghệ; ít kinh nghiệm xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư đổi mới công nghệ có hỗ trợ từ NSNN. Mặt khác, do Quỹ Natif phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn vốn, cho nên dẫn đến hoạt động tài trợ và chi phí quản lý của quỹ bị thu hẹp, làm cho hiệu quả sử dụng vốn bị giảm đi rất nhiều. Đáng chú ý, trong danh mục các loại dịch vụ công trong lĩnh vực KH và CN được Chính phủ ban hành, không có loại dịch vụ nào phù hợp với hoạt động của quỹ để quỹ hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, hoặc theo mô hình doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước... Ngoài ra, vướng mắc về hành lang pháp lý để vận hành, trong đó hệ thống văn bản về quản lý và sử dụng quỹ chưa đầy đủ; thiếu thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với hoạt động tín dụng; không đồng bộ với các văn bản pháp luật (Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Nghị định Quản lý tài sản công; Luật Chuyển giao công nghệ…). Do đó, kể từ năm 2018 đến nay, Quỹ Natif đã tạm dừng việc xét chọn và ký hợp đồng tài trợ mới để xây dựng sửa đổi lại điều lệ hoạt động.
Báo cáo số 320/BC-CP ngày 8-8-2019 của Chính phủ về tình hình, hiệu quả hoạt động và giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đã chỉ rõ, Quỹ Natif không có khả năng tài chính độc lập; hằng năm vẫn sử dụng một phần kinh phí được NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ để chi hoạt động thường xuyên. Quỹ đang hoạt động theo mô hình là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ KH và CN. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ KH và CN thực hiện rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ; nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động theo mô hình quỹ tài chính nhà nước, tự bảo đảm cân đối thu, chi…
Còn với Quỹ Nafosted thì có nhiệm vụ chi trùng lặp với nhiệm vụ chi của NSNN đang thực hiện thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia. Địa vị pháp lý của quỹ như một đơn vị sự nghiệp, 90% các hoạt động hỗ trợ, tài trợ của quỹ là không hoàn lại; quỹ hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí NSNN cấp. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ KH và CN thực hiện rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến thành lập, hoạt động và quản lý để trình cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật NSNN; xác định rõ mô hình tổ chức của quỹ và cơ quan quản lý quỹ phù hợp với mô hình tổ chức KH và CN công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 14-6-2017 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của tổ chức KH và CN công lập; xem xét chuyển các nhiệm vụ chi hỗ trợ, tài trợ không hoàn lại của quỹ thành nhiệm vụ chi của NSNN; có lộ trình cắt giảm dần, tiến tới dừng việc bố trí chi NSNN hỗ trợ hoạt động của quỹ theo lộ trình tự chủ về tài chính quỹ.
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân dân