[In trang]
Ứng dụng sản xuất thông minh giúp ngành dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ hai, 28/10/2019 - 08:31
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất chất lượng ngành dệp may cần ứng dụng từng bước giải pháp sản xuất thông minh để nắm bắt kịp thời xu hướng.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất chất lượng ngành dệp may cần ứng dụng từng bước giải pháp sản xuất thông minh để nắm bắt kịp thời xu hướng.
Trên bản đồ dệt may, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt 31 tỉ đô la Mỹ, tạo công ăn việc làm cho gần 3 triệu lao động tại hơn 5 nghìn doanh nghiệp, nhà máy. Có thể thấy, doanh nghiệp dệt may đã bắt nhịp khá tốt với CMCN 4.0.
Ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là sợi - dệt nhuộm - may mặc, trong đó ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua. Quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số lao động cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây 10 năm để sản xuất 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì nay chỉ cần 25 - 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây.
Tổng Giám đốc công ty Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, với việc nhiều công ty áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn (big data) thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường. Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập của mình và tạo ra một ngành dệt may, da giày mới mà ở đó thu nhập của người lao động có thể tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh tình trạng biến động lao động.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, từng bước triển khai sản xuất thông minh chính là cơ hội và là đòi hỏi tất yếu của các nhà máy để có thể nâng cao năng suất chất lượng.
Để ứng dụng sản xuất thông minh, cần thực hiện các bước sau đây:
Sử dụng cảm biến: cảm biến gắn vào các vị trí, máy trên dây chuyền, thu thập các tín hiệu về tình trạng vận hành, lỗi hỏng, sự cố, yêu cầu để phục vụ thu thập dữ liệu đầy đủ trong các hoạt động sản xuất. Cảm biến có thể kết nối với từng loại máy, cảm biến tự động nhận diện, cảm biến đo lưu lượng năng lượng tiêu thụ, phân tích nhiệt độ, độ ấm… và cũng có thể là các nút bấm để công nhân tại các vị trí có thể ghi nhận một cách đơn giản nhất.
Kết nối: với lượng thông tin từ các cảm biến thu nhận được, cần có sự kết nối để tổng hợp toàn bộ dữ liệu. Kết nối không dây là một giải pháp hiện đại và tiêu chuẩn, hỗ trợ việc kết nối đơn giản, linh hoạt và phù hợp với mọi địa hình.
Phân tích dữ liệu: từ dữ liệu thu thập và được kết nối về cùng 1 kho dữ liệu, việc phân tích giúp các nhà quản lý đánh giá nhanh, trực quan và chính xác tình trạng vận hành, năng suất tức thời, các điểm gây lãng phí… để thực hiện tối ưu quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất hiệu quả.
Xây dựng và triển khai phần mềm ERP cho sản xuất: hệ thống phần mềm quản lý kế hoạch sản xuất, theo dõi tiến độ, nguyên vật liệu, tối ưu các chỉ số, kết nối thông tin từ hệ thống cảm biến để phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra hệ thống thông tin phù hợp, dự báo để hỗ trợ ra quyết định.
Nguồn: Doanh nghiệp hội nhập