[In trang]
Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đồng hành trong triển khai kế hoạch công tác năm 2020
Thứ sáu, 10/01/2020 - 14:08
Bộ Công Thương cho rằng công tác tổ chức triển khai các các chương trình, nhiệm vụ KH&CN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục có đóng góp quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt, đã góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngày 03/01/2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công các ngành KH&CN năm 2019 và triển khai công tác năm 2020. Đại diện Lãnh đạo Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo Hội nghị; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện một số Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội và nhiều Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo các Sở KH&CN; đại diện một số viện, trường, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp có nhiều thành tựu trong hoạt động KH&CN; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí;... Về phía Bộ KH&CN, có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết được trình bày tại Hội nghị, Bộ Công Thương thống nhất và đánh giá cao công tác triển khai nhiệm vụ và những kết quả mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã đạt được trong năm 2019, đặc biệt việc nhanh chóng thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ.v.v... trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do và xu hướng phát triển, ứng dụng nhanh chóng các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định để đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực của tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước tiếp cận, mở rộng thị trường nước ngoài.
Bộ Công Thương cho rằng công tác tổ chức triển khai các các chương trình, nhiệm vụ KH&CN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục có đóng góp quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt, đã góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thực hiện tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, đổi mới công tác quản lý khoa học đã đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, mang lại lợi ích và hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp ngành Công Thương nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung.
Bộ Công Thương đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ trong triển khai các Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia cho các doanh nghiệp trong ngành Công Thương. Kết quả triển khai từ Chương trình sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đã giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập khẩu; giúp hình thành và phát triển được một số doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành các nhà cung cấp linh phụ kiện có uy tín, chất lượng tham gia trong chuỗi cung ứng các sản phẩm có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao.
Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, năm 2019 công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh trên các mặt, đặc biệt trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; xây dựng và triển khai các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.v.v... Điều này đã đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, ổn định thị trường trong nước cũng như thúc đẩy phát triển xuất khẩu, khai thác các cơ hội từ quá trình mở cửa.
Cũng theo báo cáo này, phối hợp trong công tác sở hữu trí tuệ được đã được hai Bộ tập trung ưu tiên trong năm 2019, từ việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tới việc tổ chức, thực thi. Đề phù hợp với các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.v.v... Sau khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với EU, các đơn vị chức năng của hai Bộ đã và đang tập trung rà soát nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định này. Bên cạnh đó,công tác triển khai, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng đã được lực lượng quản lý thị trường triển khai quyết liệt.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trên các mặt hoạt động giữa hai Bộ trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề xuất một số nội dung ưu tiên tập trung hợp tác, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong năm 2020 cụ thể như sau:
(1) Phối hợp xây Chiến lược khoa học và công nghệ và các Chương trình/Đề án khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2021 – 2025: Năm 2020, là năm kết thúc thực hiện các Chiến lược và hầu hết Chương trình và Đề án khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Để nhanh chóng xây dựng và triển khai các Chương trình, Kế hoạch trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương để nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ trong công tác đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược và Chương trình hiện có, đồng thời, xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên đối với ngành Công Thương trong thời gian tới, phù hợp với định hướng phát triển chung về khoa học và công nghệ quốc gia, đồng thời có tính tới các yêu cầu, đặc thù cụ thể của các doanh nghiệp ngành Công Thương.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp trong xây dựng và thực thi các quy định về Sở hữu trí tuệ. Trong năm 2020, hai Bộ cần đẩy mạnh phối hợp nhằm tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định hướng dẫn, đặc biệt lưu ý tới việc nội hóa các cam kết về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết trong Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA; tăng cường các chế tài nhằm xử lý vi phạm hành chính theo hướng nâng cao chế tài xử phạt, có thể xử lý hình sự các trường hợp tái phạm đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế trao đổi thông tin và hợp tác để triển khai có hiệu quả hơn các hoạt động về sở hữu trí tuệ.
(3) Trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Công Thương đề nghị hai Bộ sẽ có trao đổi và có phương án cụ thể nhằm phát triển, mở rộng mạng lưới các phòng thử nghiệm, giám định; đẩy mạnh việc đàm phàn và triển khai ký kết các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và các quốc gia khác đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, đặc biệt là các mặt hàng, thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Đây sẽ là một yếu tố quan trong thúc đẩy, tạo thuận lợi hóa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng tiếp cận và phát triển thị trường khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
Vụ Khoa học và Công nghệ