[In trang]
Viện Nghiên cứu cơ khí: Dấu ấn trên những công trình trọng điểm
Chủ nhật, 12/01/2020 - 11:05
Thời gian qua, các đề tài do Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) thực hiện tập trung phục vụ ngành xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng... đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ; giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.
Thời gian qua, các đề tài do Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) thực hiện tập trung phục vụ ngành xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng... đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ; giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. 
Theo sát yêu cầu thực tế
Viện Nghiên cứu Cơ khí trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của nhà nước về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá. Trung bình mỗi năm, Narime thực hiện 7 - 12 đề tài/nhiệm vụ khoa học - công nghệ các cấp. Hầu hết các đề tài này đều bắt nguồn từ thực tế sản xuất tại nhà máy, công ty của nhiều bộ, ngành khác nhau, trong đó tập trung nghiên cứu, thiết kế mới, thiết kế cải tiến, chế tạo thiết bị, phục hồi sửa chữa thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế cao. Rất nhiều đề tài sau khi thực hiện đã triển khai áp dụng hiệu quả tại những công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất và được đánh giá cao.
Với định hướng phục vụ cho các chương trình kinh tế lớn của đất nước, Narime đầu tư sớm, đầu tư sâu để đón bắt, đáp ứng các chương trình này. Narime tham gia vào các chương trinh kinh tế lớn của đất nước trong ngành công nghiệp xi măng, thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp khai thác và chế biến bô xít, giàn khoan,... và xác định đây là các lĩnh vực cần đầu tư nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị, quản lý và xây dựng dự án... Qua đó, phấn đấu để Narime không chỉ trở thành nhà cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, thiết bị mà còn trở thành tổng thầu EPCM hay EPC mạnh.
Trong chế tạo và cung cấp thiết bị, Narime chủ trương liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp một số máy và thiết bị quan trọng của hệ thống hay sản phẩm; Narime đầu tư công nghệ nhất định để chế tạo một số sản phẩm hay chi tiết quan trọng của thiết bị nhằm giảm dần tỷ lệ nhập ngoại. Thiết bị có thể chế tạo trong nước hay phần kết cấu thép thì tổ chức liên kết với đơn vị chế tạo cơ khí trong nước thực hiện. Trong các công việc này, Narime trực tiếp thực hiện phần tích hợp hệ thống, phần chạy thử, đưa vào vận hành với sự giúp đỡ của chuyên gia hoặc công ty nước ngoài có uy tín và thương hiệu.
Có thể khẳng định, hầu hết các hợp đồng kinh tế thực hiện thành công của Narime thời gian qua đều có tác động và đều là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hoạt động kinh tế này mang lại doanh thu cao trong 5 năm qua, tăng bình quân 35%/năm. Mỗi năm, bình quân Narime ký được khoảng 300 đến 400 hợp đồng kinh tế các loại, trong đó có nhiều hợp đồng với giá trị hàng trăm tỷ đồng. 
Sản phẩm phao nổi
Bộ làm mát ổ hướng máy phát Thủy điện Sơn La do Narime cung cấp
Thành công trong nội địa hóa
Nhắc đến các công trình khoa học tiêu biểu của Narime, đầu tiên phải kể đến đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”. Narime đã phối hợp với hãng HAM (Đức) trong thiết kế cơ sở, sau đó tự tiến hành triển khai thiết kế chi tiết. Công tác chế tạo được thực hiện bởi Nhà máy của Narime, Lilama, Mie và Coma. Hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than được áp dụng ở Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1. Hay, tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Narime đã hợp tác với Eco-Kondo (Nga) thiết kế, cung cấp toàn bộ hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Sau đó, Narime thực hiện tiếp dự án Sản xuất thực nghiệm cấp nhà nước “làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện công suất xử lý khí thải lưu lượng 1.000.000 Nm3/h cho các nhà máy nhiệt điện than thay thế ngoại nhập”, ứng dụng cho dự án Nhiệt diện Thái Bình 1. 
Trước đây, hệ thống thải tro, xỉ nhà máy nhiệt điện thường được nhập khẩu đồng bộ toàn bộ dây chuyền hoặc thuê cơ sở trong nước chế tạo từng phần. Do vậy, để làm chủ được công tác tư vấn thiết kế và chế tạo hệ thống thải tro, xỉ, Narime đã thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro, xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW’, tại Dự án nhiệt điện Thái Bình 1. Narime đã phối hợp với UCC (Mỹ) trong công tác thiết kế cơ sở, sau đó tự tiến hành triển khai thiết kế chi tiết.
Trên cơ sở khẳng định năng lực cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1 và hệ thống thải tro, xỉ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Narime đã được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện và hệ thống thải tro, xỉ cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2...
Các bộ trao đổi nhiệt làm mát dầu có chức năng làm mát dầu bôi trơn và làm mát trong các gối ổ của trục tua bin và trục máy phát điện. Ở Việt Nam, nhà máy thủy điện sử dụng các thiết bị của Liên Xô (cũ) cung cấp trước đây như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Ialy, Thủy điện Thác Mơ,... thường dùng loại bộ làm mát có ống trao đổi nhiệt là ống trơn, uốn chữ U. Còn nhà máy thủy điện được xây dựng sau này như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng... dùng thiết bị làm mát do Alstom cung cấp, loại ống trao đổi nhiệt là loại ống có cánh. Sau một thời gian hoạt động, nhiều bộ trao đổi nhiệt (kiểu cũ và mới) ở các nhà máy thủy điện bị hư hỏng.
Nắm bắt được nhu cầu lớn về thiết bị trao đổi nhiệt cho các nhà máy thủy điện, Narime đã chủ động nghiên cứu, tính toán chế tạo và cung cấp hàng loạt bộ trao đổi nhiệt các loại cho nhà máy thủy điện. Sản phẩm này đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo thêm nhiều việc làm cho cán bộ công nhân viên.
Đề tài, dự án khoa học - công nghệ các cấp của Narime đã tạo tiền đề cho hoạt động kinh tế, đáp ứng nhiệm vụ và phù hợp với chức năng nheiẹm vụ mà Narime được giao.

Bài đăng trên Báo Công Thương số 59 (1523)