[In trang]
Viện KHCN Mỏ - Vinacomin: Góp phần hiện đại hóa ngành than
Thứ bảy, 01/02/2020 - 11:00
Nhằm góp phần hiện đại hóa ngành than và khoáng sản, những năm gần đây Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã chủ trì nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học quan trọng và chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp khai thác than , khoáng sản tại Việt Nam.
Hiệu quả từ các đề tài nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ Vinacomin đã đề xuất và được tuyển chọn thực hiện nhiều dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) các cấp, từ những đề tài thuộc "Chương trình KHCN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn 2025", Dự án KHCN cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng, ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo", các đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ, thuộc các chương trình "Ứng phó biến đổi khí hậu", “Tiết kiệm năng lượng"... đến các đề tài cấp Tập đoàn TKV. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao mặt bằng KHCN trong ngành.
Giàn chống tự hành GM 20 - 30 - 1
Điển hình như trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, trước đây công đoạn sàng tuyển than tại các mỏ hầu hết áp dụng công nghệ sàng khô tách cám than nguyên khai, người lao động phải nhặt tay thủ công để loại bỏ bớt đá thải tại mỏ. Để giải quyết vấn đề trên, viện đã triển khai thực hiện thành công dây chuyền công nghệ tuyển than trong bã sàng cho các mỏ than vùng Quảng Ninh bằng công nghệ huyền phù kiểu tang quay và xây dựng, hoàn thiện nâng cao chất lượng than cho các mỏ bằng công nghệ ‘huyền phù tự sinh’. Công nghệ mới này có tính ưu việt là ngoài lượng than được tận thu triệt để (tăng 20-30% so với công nghệ cũ) còn giúp tăng năng suất lao động do được cơ giới hóa và tự động hóa, cũng như giảm ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề bùn dưới moong sau tại các mỏ khai thác lộ thiên, năm 2017, Bộ Công Thương đã giao cho viện thực hiện nghiên cứu và đề xuất các giải pháp công nghệ vét bùn phù hợp nhằm giảm chi phí và thời gian vét bùn, tăng hiệu quả kinh tế cho các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh. Sau thời gian nghiên cứu từ tháng 11/2017 đến tháng 6/2018, nhóm nghiên cứu của viện đã đưa ra các giải pháp hữu ích được Bộ Công Thương và các chuyên gia đánh giá cao.
Phòng thí nghiệm than tự cháy
Trong lĩnh vực sàng tuyển, chế biến than, khoáng sản, viện cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp thuộc tập đoàn để triển khai ứng dụng nhiều đề tài, dự án như: Hệ thống xử lý bùn nước của Nhà máy tuyển than Vàng Danh; hệ thống sàng tuyển than của Công ty than Quang Hanh; dây chuyền tuyển than cục trong than don xô của Công ty than Uông Bí... Việc áp dụng các giải pháp công nghệ trong sàng tuyển, chế biến than đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tận thu tài nguyên, giảm thải ô nhiễm môi trường, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, an toàn mỏ... nhiều công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới được đưa vào thực tiễn đã góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao công tác an toàn trong khai thác mỏ như: Xi lanh thủy lực đường kính lớn, giàn chống tự hành, các loại đầu đo khí (CH4 và khí CO); ‘Dự án đầu tư xây dựng cơ bản khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo, mỏ Khe chàm ll-IV”, ‘Dự án đầu tư xây dựng cơ bản Nhà máy tuyển quặng bauxit Tân Rai, Nhân Cơ"; Dự án kết nối các hệ thống quan trắc khí mỏ tại các mỏ than hầm lò..., để góp phần kiểm soát tốt, ngăn chặn các vụ tai nạn cháy nổ khí, nâng cao mức độ an toàn, tạo tâm lý ổn định cho người lao dộng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường...
Hệ thống quản trị tập trung Công ty Than Dương Huy, công trình do Viện tư vấn thiết kế, lắp đặt 
Vững vàng cho những mục tiêu lớn
Mục tiêu xuyên suốt từ nay đến năm 2020, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đề ra là phát triển ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên với phương châm “Chất lượng - Tiến độ - Tăng trưởng - Hiệu quả".
Theo đó, viện sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp nhằm khai thác tối đa trữ lượng tài nguyên than nằm dưới các công trình; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và năng lực quản lý nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, lựa chọn công nghệ phù hợp phục vụ khai thác than hầm lò, đặc biệt là tiềm năng khai thác tại bể than ở Đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và thiết bị khai thác tại các mỏ lộ thiên sâu, nghiên cứu công nghệ đào sâu vét bùn phù hợp điều kiện đáy mỏ chật hẹp sau mỗi mùa mưa cho các mỏ than lộ thiên sâu vùng Quảng Ninh, hoàn thiện công nghệ vận tải liên hợp ôtô - băng tải cho các mỏ lộ thiên sâu ở Việt Nam, nghiên cứu công nghệ khai thác trung hòa quặng đáp ứng đầu vào nhà máy tuyển và giảm chi phí sản xuất; nghiên cứu xay dựng hệ thống điều độ tập trung nhằm hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý cho các mỏ khai thác than lộ thiên; xây dựng hệ thống tự động hóa điều kiện sản xuất cho các mỏ khai thác than hầm lò.
Nhìn chung, các đề tài của viện đều hướng tới giải quỵết những vấn đề nổi cộm trong sản xuất, đưa ra các giải pháp KHCN nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện môi trường, nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất. Hầu hết các đề tài của viện đều được áp dụng thử nghiệm vào sản xuất và được các đơn vị đón nhận.
Năm 2018, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã quản lý và tổ chức thực hiện 46 đề tài, dự án KHCN các cấp, giá trị 98,6 37 tỷ đồng. Trong đó ký mới 15 đề tài cấp Bộ và cấp Tập đoàn, giá trị ký 24,33 tỷ đồng (tăng 4 đề tài so với cùng kỳ năm 2017, giá trị tăng 11,875 tỷ đồng).

TS. Trần Tú Ba
(Bài đăng trên Báo Công Thương, số 59 1523)