Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 02:17

Thứ năm, 25/04/2024 | 02:17

Chính sách

Cập nhật lúc 08:47 ngày 12/09/2016

Đầu tư lớn, hiệu quả cao

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tổ chức hội nghị tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước - cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, hệ thống các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước có 15 chương trình bao gồm10 chương trình thuộc lĩnh vực KHCN (chương trình KC), 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Trong đó, 10 chương trình KC đã phê duyệt và đưa vào triển khai 329 nhiệm vụ (257 đề tài và 72 dự án); 5 chương trình KX đã phê duyệt và đưa vào triển khai 101 nhiệm vụ.

Kinh phí đầu tư cho toàn bộ 15 chương trình trọng điểm vào khoảng 1.833 tỷ đồng. Các chương trình cũng đã huy động một lực lượng nhà khoa học rất lớn trong cả nước với sự tham gia của trên 5.300 cán bộ khoa học, thuộc trên 1.200 cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp.

Kết quả, sau 5 năm hoạt động, các chương trình đã tạo ra cho sản xuất 23 loại giống cây mới và 25 chủng vi sinh, vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ. Các chương trình cũng tạo ra được 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất; 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện; 161 mẫu máy móc thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và được ứng dụng trong sản xuất. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 loại sản phẩm… Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỷ đồng.

Tiến sĩ Thành nhấn mạnh, qua đánh giá, chương trình có trên 50% các công nghệ và thiết bị tạo ra có tính năng kỹ thuật và chất lượng tương đương với khu vực. Tác động về mặt kinh tế - xã hội của các kết quả được tạo ra từ các đề tài, dự án trong chương trình có thể đã vượt rất nhiều so với nguồn kinh phí đã đầu tư, đặc biệt đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm mới, giải quyết các vấn đề khó khăn do sản xuất đặt ra.

Chẳng hạn, từ chương trình KC.06/11-15, đã nghiên cứu, chọn tạo được 8 giống lúa có năng suất cao, thơm, chất lượng tốt kháng được một số sâu bệnh hại chính. Các giống lúa này đã được trồng trên 100.000 ha sau khi kết thúc nghiên cứu, với năng suất tăng so với đối chứng 0,5 tấn/ha, giúp người dân thu thêm được 50.000 tấn thóc tương đương với 325 tỷ đồng (giá thóc trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg).

Hay, từ chương trình KC.10/11-15, đã sản xuất được vắc-xin Rota sống giảm độc lực. Vắc-xin được sản xuất theo quy trình nghiên cứu có trình độ KHCN tương đương quốc tế, nhưng giá thành giảm khoảng 1/3 ngoại nhập (vắc-xin nhập có giá 750.000 đồng/liều, vắc-xin Việt Nam chỉ có giá 250.000 đồng/liều). Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ tính cho số vắc-xin thực tế đã sử dụng cho hơn 100.000 trẻ ở 60 tỉnh thành đã giúp giảm chi phí trực tiếp cho việc phải mua vắc-xin ngoại khoảng 50 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 16 tỷ đồng do giảm đến 800.000 lượt thăm khám của trẻ, tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng do giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota. Đặc biệt, giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi…

Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc khẳng định, dù nguồn lực đất nước còn hạn chế, Nhà nước đã dành lượng kinh phí khá lớn cho các chương trình trọng điểm cấp nhà nước và thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp cho kinh tế đất nước.

Theo baocongthuong.com.vn 

lên đầu trang