Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:28

Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:28

Chính sách

Cập nhật lúc 08:45 ngày 22/09/2016

Mức hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt quá thấp

Thứ hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đứng thứ 56/140 quốc gia, nhưng mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121. Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, nếu không sớm sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, thì Việt Nam khó có thể thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hàng năm, ngân sách nhà nước dành 2% tổng chi cho khoa học - công nghệ (KHCN), nhưng mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp hiện đứng thứ 121/140 quốc gia. Vì sao như vậy, thưa ông?

Phải khẳng định, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, khoản nào cũng cần phải chi, nhưng hàng năm, ngân hàng vẫn dành 2% tổng chi cho KHCN là sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, thì chi cho KHCN của nước ta quá nhỏ.

Ở các nước, nhà nước chi một đồng cho KHCN, thì xã hội bỏ ra 4 - 5 đồng, nên tổng chi cho KHCN thường chiếm 4 - 5% GDP. Trong khi đó, tại Việt Nam, trong 5 năm qua, chi cho KHCN chỉ bằng 0,56% GDP. Cộng thêm cả phần đầu tư cho KHCN từ xã hội, thì tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này của Việt Nam cũng chỉ khoảng 1% GDP.

Quy mô nền kinh tế nước ta nhỏ, tỷ lệ chi cho KHCN tính trên quy mô nền kinh tế thấp, nên sự phát triển của KHCN thời gian qua không theo kịp với phát triển kinh tế - xã hội.

Vốn chi cho KHCN eo hẹp, song lại thường xảy ra tình trạng chi không hết?

Thực tế này rất đáng suy nghĩ. Theo kết quả kiểm toán mới được Kiểm toán Nhà nước công bố, trong khi các lĩnh vực khác năm nào cũng chi vượt dự toán, thì chi cho KHCN chưa năm nào đạt dự toán.

Một điều đáng suy nghĩ nữa là, một số địa phương đã quyết định mạnh dạn chi cho KHCN, nhưng cuối cùng cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị chẳng biết chi vào đâu, nên KHCN phát triển đì đẹt là điều dễ hiểu.

Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 tới đây với quy định thành lập trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ. Hy vọng, với thay đổi này, tình hình sẽ được cải thiện.

Hiện có rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp phát triển KHCN. Theo ông, các chính sách này có thực sự hiệu quả không?

Hiện có rất nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tập trung phát triển KHCN. Đặc biệt, Nghị định 95/2014/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ Phát triển KHCN, nhằm trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật; mua máy móc, thiết bị kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn…, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy, rất ít doanh nghiệp trích đủ, nhiều doanh nghiệp trích rồi chẳng biết làm gì đành trả lại ngân sách nhà nước…

Nền kinh tế hội nhập bao nhiêu thì mức độ cạnh tranh càng gay gắt bấy nhiêu, nếu doanh nghiệp vẫn không tập trung đầu tư cho KHCN, thì khó có thể thành công trong hội nhập và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này, thưa ông?

Hiện doanh nghiệp cạnh tranh dựa vào các chính sách ưu đãi, thậm chí có sự bao cấp của Nhà nước về vốn, mặt bằng, thuế, nhân công, tín dụng… và họ thấy “sống khỏe”, nên chẳng tội gì tập trung đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền tiên tiến và cũng chẳng dại gì tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, chủng loại hàng hóa.

Vẫn còn cạnh tranh được, nên hầu hết doanh nghiệp không thuê các chuyên gia, nhà khoa học, những người có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm vào làm việc, vì phải trả lương cao. Do không có chuyên gia, nhà khoa học, những người có chuyên môn, năng lực, nên hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì nghiên cứu, chế tạo, cải tiến thiết bị, máy móc, công nghệ hợp lý để sản xuất, lại mua máy móc, thiết bị, dây chuyền toàn bộ của nước ngoài, mà thường ưu tiên mua máy móc, thiết bị, dây chuyền rẻ tiền, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều năng lượng để tiết giảm chi phí đầu tư.

Nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh không dựa vào tri thức, vào KHCN, tôi lo rằng, khi thực hiện đầy đủ cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì doanh nghiệp nội địa khó có thể cạnh tranh.

Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Thực hiện nghiêm Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 31/10/2012), cụ thể là phải có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao... Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường.

Thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 một cách toàn diện, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ; quy định về chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc thù hoạt động của từng ngành, lĩnh vực kinh tế.

Theo http://baodautu.vn

lên đầu trang