Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:31

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:31

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 08:44 ngày 23/09/2016

Xăng E5 "kêu cứu"

Theo lộ trình của Chính phủ, từ ngày 1-6-2016, tất cả các điểm bán xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố lớn đều phải triển khai bán xăng E5 và thay thế hoàn toàn xăng RON 92; các tỉnh, thành phố còn lại phấn đấu đạt 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Thế nhưng, đến nay đã 3 tháng trôi qua, tình hình dường như không có gì chuyển biến so với trước ngày 1-6. Xăng E5 vẫn không được chào đón. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cồn ethanol phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất.

Vận hành hệ thống cung cấp xăng E5 tại PV OIL Nhà Bè, thuộc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL)

Ảm đạm các nhà máy sản xuất

Các tỉnh, thành phố phải thay thế hoàn toàn xăng RON 92 bằng xăng E5 là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhưng chỉ có Đà Nẵng và Quảng Ngãi là thực hiện nghiêm quy định này, còn ở các địa phương khác, xăng RON 92 vẫn "sống" khỏe, xăng E5 xuất hiện khá hạn chế và cũng ít người mua.

Theo Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) đã ra đời nhằm cung cấp cồn ethanol để pha chế xăng E5 phục vụ nhu cầu của thị trường. Năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của cả nước đạt 535 triệu lít/năm, đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 bảo đảm đủ cung cấp cho thị trường cả nước.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của NLSH đối với vấn đề an ninh năng lượng của đất nước, góp phần bảo vệ môi trường, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đi đầu trong việc xây dựng chiến lược phát triển NLSH. Tuy nhiên, đến nay, 3 dự án sản xuất NLSH có liên quan đến tập đoàn và các đơn vị thành viên của tập đoàn đều đang phải tạm dừng.

Cụ thể là, Nhà máy Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH NLSH Phương Đông làm chủ đầu tư, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) chiếm cổ phần chi phối (49% vốn), Công ty Cổ phần LICOGI 16 (22% vốn) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) góp vốn 29% cổ phần. Tập đoàn Itochu đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Công ty Toyo Thái Lan. Cổ đông chính của dự án là Toyo Thái Lan dự kiến sẽ vận hành trở lại nhà máy vào năm 2018 với điều kiện thị trường thuận lợi.

Nhà máy NLSH ở Quảng Ngãi do các đơn vị thành viên của PVN đầu tư cũng vào thời điểm giá dầu 140USD/thùng. Kể từ khi vận hành thương mại đầu năm 2014, nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Đến cuối tháng 4 năm nay, nhà máy buộc phải dừng sản xuất vì xăng E5 khó tiêu thụ, sẽ dẫn đến thua lỗ nếu cứ tiếp tục sản xuất ethanol. Dự án thứ 3 là Nhà máy NLSH Phú Thọ do PV Oil góp vốn 39% cũng đã tạm dừng.

Hiện nay, các nhà máy NLSH của các nhà đầu tư khác cũng đang trong tình trạng đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do cả thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều khó khăn vì các nước trong khu vực đều dư thừa nguồn cung. 

Giá thành và tâm lý người dùng

Các nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường xăng sinh học E5 ảm đạm: Thứ nhất là vấn đề giá. Phần lớn các nhà máy được đầu tư khi giá dầu để sản xuất xăng đang ở mức đỉnh là hơn 140USD/thùng, hiện nay chỉ còn xấp xỉ 50USD/thùng. Xăng sinh học có giá thành cao hơn xăng thường, nay xăng thường có giá thấp như vậy nên việc tiêu thụ xăng sinh học rất khó khăn, càng sản xuất càng lỗ. Các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng trong giai đoạn 2008-2010, thời điểm đó giá sắn (nguyên liệu đầu vào) chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Từ năm 2011 đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên 4.500-5.000 đồng/kg đã khiến giá thành sản phẩm ethanol tăng cao. Thứ hai, người dân chưa mặn mà với xăng E5 do thói quen tiêu dùng, do những nghi ngại, hơn nữa giá bán xăng E5 cũng chưa thật hấp dẫn so với xăng thông thường. Thứ ba, hệ thống phân phối còn quá mỏng và chưa có chế tài nào bắt buộc xử lý các đơn vị không thực hiện chuyển đổi.

Nếu không kịp thời có chính sách mang tính “bước ngoặt”, e rằng sẽ không cứu được các nhà máy sản xuất NLSH (cồn ethanol) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Cần có chính sách hỗ trợ

Để Đề án phát triển NLSH đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025 có thể được triển khai hiệu quả, trước mắt là cứu các nhà máy NLSH vừa mới được khai sinh, rất cần phải thực sự đổi mới cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là các chính sách về thuế, trợ giá, ưu tiên vay vốn. Cụ thể, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào NLSH như: Miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho ethanol của các nhà máy NLSH; sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với NLSH. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nhằm đưa ra thị trường một mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiêu thụ NLSH thuận lợi, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích khi sử dụng xăng E5, một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường.          

Theo Báo Quân đội Nhân dân

lên đầu trang