Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 19:53

Thứ năm, 25/04/2024 | 19:53

Chính sách

Cập nhật lúc 08:56 ngày 06/12/2016

Vướng rào cản chính sách

Quy định tỷ lệ lấp đầy 60% các KCN đang gây khó cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và nhà quản lý

Gây khó cho nhà quản lý và chủ đầu tư

Thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến nay, cả nước có 16 khu kinh tế (KKT) được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 814,7 ngàn ha và 313 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 88 ngàn ha. Về nguồn vốn, các KCN, KKT đến nay đã thu hút 7.510 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 147,6 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 81,4 tỷ USD (bằng 55% vốn đầu tư đã đăng ký).

Theo giới chuyên môn, hầu hết các nhà đầu tư, rót vốn vào các KKT, KCN với mục tiêu chính là đón đầu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Họ chấp nhận đầu tư dài hạn để giữ phần trong mảng kinh doanh cho thuê bất động sản, nhà xưởng với hy vọng thị trường sẽ bứt phá trong tương lai gần.

Tuy nhiên, việc đầu tư kinh doanh hạ tầng gần đây gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ lấp đầy ở các KCN trung bình mới chỉ đạt dưới mức 50%, khiến đầu tư vào các KCN đang chững lại.

Nên xem xét lại tiêu chí

Ông Nguyễn Tấn Phước - Phó trưởng Ban Quản lý KCX - KCN TP.Hồ Chí Minh - cho biết, việc triển khai hạ tầng và thu hút đầu tư của 1 KCN mới thường kéo dài không dưới 3 năm, thậm chí kéo dài đến 10 năm do diện tích lớn và đầu tư theo dạng cuốn chiếu. Do đó, khi các khu đã thành lập đủ điều kiện lấp đầy 60%, thì các KCN dự định thành lập tiếp theo không thể đáp ứng điều kiện này trong thời gian ngắn (1- 2 năm). Điều này khiến cho các khu dù đã nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển KCN của thành phố nhưng chưa triển khai được trở thành các dự án quy hoạch treo.

Phó trưởng Ban quản lý các KCN Bình Dương Bùi Minh Trí thông tin, sau khi Chính phủ có văn bản điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, Bình Dương tiến hành thành lập mới 3 KCN, trong đó có 1 KCN đảm bảo tỷ lệ đã cho thuê lại đất (60%), nhưng 2 KCN sau đó bị vướng quy định này.

Hầu hết các ban quản lý KCN - KCX cho rằng, quy định về tỷ lệ lấp đầy 60% không phù hợp với thực tế đang gây khó cho các nhà đầu tư. Hiện nay, phần lớn các KCN đều do DN tư nhân tự tính toán hiệu quả kinh doanh để bỏ vốn đầu tư. Mặt khác, việc đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã được quy định theo pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng nếu thu hút lấp đầy chậm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và nếu chậm tiến độ thì bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo luật định.

Ông Trần Văn Bình - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Long An:

Cần xem xét lại tiêu chí lấp đầy 60% đối với các KCN trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương. Nên giảm tỷ lệ cho thuê đất từ 60% xuống còn 40% hoặc 50% đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để địa phương thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư phát triển các KCN.

Ngọc Thảo - Thùy Dương

lên đầu trang