Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:27

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:27

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 09:11 ngày 30/12/2016

Hoàn thiện giải pháp phát triển thị trường nhiên liệu sinh học

Đề án phát triển nhiên liệu sinh học với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Song, sau gần 10 năm triển khai kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Do đó, ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để đánh giá lại tổng thể Đề án và tìm giải pháp thực hiện các chương trình.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này các văn bản quản lý để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh xăng E5 nói riêng và nhiên liệu sinh học nói chung đã được ban hành đầy đủ. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, định mức hao hụt… đã được ban hành đầy đủ để phục vụ quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng E5, E10. Cơ chế giá, thuế, phí trong cơ cấu tính giá đối với sản phẩm xăng E5 đã được ban hành và rà soát để giúp cho xăng E5 thấp hơn, thể hiện ưu đãi đối với sản phẩm thân thiện môi trường. Ngoài ra, không trích quỹ bình ổn đối với xăng E5 để tạo chênh lệch giá thấp hơn xăng khoáng RON 92. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92. Đặc biệt, xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần, thể hiện ở lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ đạt gần 50.000 m3/tháng, chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 là 1.256 cửa hàng chiếm 11% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu; trong đó có những tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ đạt tỷ lệ 100%. Chất lượng sản phẩm xăng E5 được kiểm soát tốt, không xảy ra khiếu nại của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận: Chính sách về giá chưa linh hoạt dẫn đến kém sức hút. Lợi nhuận doanh số và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Độ chênh lệch về giá của xăng E5 và xăng RON 92 chưa đủ lớn để khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen để chuyển đổi sang sử dụng xăng E5. Việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn bể, các trạm, cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngại đầu tư. Việc vận chuyển xăng E5 đến các đại lý xăng dầu ở vùng xa còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho dài dễ dẫn đến hao hụt cao làm chi phí tăng lên. Giá thành ethanol trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng. Song song là việc tồn tại trên thị trường hai loại xăng khoáng RON 92 và E5 RON 92 đã gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng cũng như khó khăn cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và chống gian lận thương mại…

“Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế dần dần xăng khoáng A92, đồng thời thực hiện Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/94/2011 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải động cơ, Bộ Công Thương kiếnnghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 24/4/2014; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 31/8/2015; Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 19/01/2016... cho phép tồn tại song song hai loại xăng khoáng RON 92 và E5 RON 92 đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ ngày 01/01/2018 chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95” -ông Nguyễn Phú Cường nói.



Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, cơ chế tài chính chưa đủ để tạo ra sự hấp dẫn. Hiện nay giá xăng E5 chỉ chênh lệch 272 đồng/lít so với xăng khoáng; chi phí của xăng E5 cao nên không hấp dẫn người kinh doanh. Do đó, nếu không có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn thì khó đưa xăng E5 vào cuộc sống.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cho tới nay việc tổ chức triển khai đưa xăng E5 ra thị trường đã được tính toán và biến thành hiện thực. Tuy nhiên, các chính sách không đồng bộ. Cái vướng nhất hiện nay là cơ chế thuế, phí liên quan đến xăng E5 đưa vào mà không theo thị trường; độ chênh giá đối với xăng khoáng không đủ kích thích. Hơn nữa, những nhà phân phối vẫn được phép kinh doanh nhiều loại hàng, trong khi đó E5 lại tốn phí nhiều nhất nhưng lợi nhuận thấp nhất. “Nếu không xử lý được những vướng mắc của E5 thì đặt ra vấn đề nhiên liệu khác sẽ vô cùng khó”, ông Bảo nói.

Ông Bảo đề xuất giải pháp, hiện thuế môi trường đối với xăng khoáng đang là 3.000 đồng/lít tăng lên thành 4.000 đồng/lít (nằm trong khung Quốc hội đã duyệt) còn với xăng E5 thì giữ nguyên, lúc đó tạo ra độ chênh hấp dẫn giữa xăng E5 và xăng khoáng.

Nói về lộ trình bán xăng E5 thực hiện trên toàn quốc, ông Bảo cho rằng, hiện giờ hoàn toàn có đủ điều kiện để chúng ta ấn định theo một lộ trình nào đó. Xăng E5 sẽ thay thế hoàn toàn xăng khoáng 92. Sự thay thế này tương đối hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế.

“Với sự chuẩn bị của mình, Petrolimex hoàn toàn có thể thực hiện lộ trình bỏ xăng khoáng 92 sớm hơn, chứ không nhất thiết phải đến ngày 01/01/2018 như đề xuất của Bộ Công Thương”, ông Bảo khẳng định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thực hiện Đề án phải lý giải để cho Chính phủ có hướng để kiên quyết tiếp tục phát triển đề án nhiên liệu sinh học, trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Cơ chế tài chính, cơ chế thuế là những công cụ quan trọng để đảm bảo ý nghĩa mục tiêu của Đề án nhiên liệu sinh học, đồng thời cũng phải đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích của quốc gia. Bên cạnh đó, xem lại yếu tố nào làm giá ethanol của Việt Nam cao hơn so với thị trường thế giới, thị trường lân cận (Việt Nam hiện khoảng 13.900 đồng/lít còn thị trường lân cận chỉ 10.000 đồng/lít).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, ngoài ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của Đề án, việc đánh giá tổng thể Đề án chưa làm tròn; các yếu tố đánh giá chưa đi đến tận cùng để thống nhất tính chất cũng như yêu cầu; việc diễn giải, hiểu biết về Đề án thể hiện trong các chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành chưa đồng nhất, chưa cùng theo một mặt bằng, dẫn đến các phương án, giải pháp đề xuất thời gian chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh dẫn đến hiệu quả của Đề án bị hạn chế. Câu chuyện của xăng E5 đạt được một số mục tiêu nhưng chưa phải đúng với yêu cầu dẫn đến Đề án nhiên liệu sinh học cũng bị chậm lại.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị: Xác định lại công tác thực hiện Đề án nhiên liệu sinh học, coi là nội dung trọng tâm của Bộ Công Thương trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, khi đã có kế hoạch kể từ ngày 01/01/2018 chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 đã tác động mạnh mẽđến tập quán tiêu dùngcũng như công tác tổ chức phát triển thị trường, hoạt động của doanh nghiệp.

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 01/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trình bày về Đề án nhiên liệu sinh học và lộ trình xăng E5 tại phiên họp Chính phủ để Thủ tướng và thường trực Chính phủ cùng nghe và có kết luận. Tại đó, câu chuyện về thuế, phí, các công cụ liên quan đến tài chính, kinh tế khác sẽ được rành mạch, lúc đó sẽ có quan điểm thống nhất chỉ đạo của Chính phủ.

Vì vậy, để chuẩn bị cho việc này, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối cùng Tổng cục Năng lượng, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế cùng tham gia nghiên cứu,hoàn thiện báo cáo về Đề án nhiên liệu sinh học và Lộ trình của xăng E5, trong đó bao gồm cả những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn khí thải EURO 2, EURO 4.

Cần lập một tổ công tác do Vụ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, tổng hợp lại những ý kiến đóng góp từ cuộc họp này. Đồng thời, làm việc cụ thể với Bộ trưởng về đề cương của báo cáo. Sau đó, tổ chức khảo sát làm việc với chính quyền địa phương, trong đó bao gồm cả UBND tỉnh và các sở công thương; và với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng và cồn sinh học, các doanh nghiệp quản lý hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp hạ tầng phục vụ cho hệ thống phân phối cũng như công nghệ pha trộn; đồng thời làm việc với cùng một số bộ, ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:“Căn cứ vào những mục tiêu, yêu cầu và những nội dung đã quy định rất cụ thể trong đề án nhiên liệu sinh học, trong lộ trình của E5, các quyết định của Thủ tướng và phó thủ tướng đã thông qua, có chỉ đạo các đồng chí rà soát, đánh giá lại việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua, để phân tích những kết quả cũng như tồn tại của việc triển khai Đề án. Tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc, đánh giá cụ thể đầy đủ hơn, toàn diện hơn để thấy được và tìm ra những giải pháp trên cơ sở cụ thể của đánh giá những yếu tố liên quan đến thị trường, kinh tế, thương mại, công nghệ và chức năng quản lý nhà nước để hoàn thiện các giải pháp để bổ sung trong báo cáo đầy đủ toàn diện”.

 

Phan Tâm

lên đầu trang