Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 21:51

Thứ năm, 25/04/2024 | 21:51

Chính sách

Cập nhật lúc 16:01 ngày 11/08/2017

Tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định như vậy tại Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được tổ chức mới đây tại Ninh Bình.

KH&CN góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH

Theo báo cáo về kết quả hoạt động KH&CN của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH giai đoạn 2015- 2017, thời gian qua, hoạt động quản lý Nhà nước, trong đó có công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư đã được thực hiện một cách bài bản và chặt chẽ, nhằm định hướng và hạn chế các công nghệ lạc hậu khi đầu tư vào các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSH.

Trong giai đoạn 2015-2017, các tỉnh ĐBSH đã thẩm định 577 dự án đầu tư, 28 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Qua đó, góp phần lựa chọn những công nghệ tiên tiến và hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra trong lĩnh vực KH&CN cũng được tăng cường; công tác thanh tra về KH&CN được tiến hành cùng công tác thanh tra thuộc các lĩnh vực khác nhằm tránh gây phiền nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, cơ sở. Theo đó, các tỉnh đã tổ chức triển khai 1665 lượt thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời 269 vụ với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tỉnh trong vùng đã được hỗ trợ từ ngân sách trung ương để triển khai thực hiện 23 đề tài, dự án KH&CN cấp nhà nước. Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học Trung ương hỗ trợ là 196,2 tỷ đồng; hỗ trợ của các địa phương và vốn đối ứng của doanh nghiệp là 21,6 tỷ đồng.

Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) Trần Văn Quang cho biết, vùng ĐBSH thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò đồng hành của KH&CN với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

“KH&CN bám sát cơ cấu kinh tế của vùng, của địa phương để xác định nội dung trọng tâm về hoạt động KH&CN; quan tâm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến; các nhiệm vụ KH&CN được đặt hàng, đề xuất từ thực tiễn, nhằm giải quvết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và quản lý; với phương châm “lấy ứng dụng là chính”, lấy hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội làm tiêu chí tuyển chọn, hỗ trợ doanh nghiệp đối mới công nghệ, thiết bị, ưu tiên các nhiệm vụ ứng dụng, tiếp thu đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường; quan tâm đến việc huy động nguồn lực cho hoạt động KH&CN, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các nhiệm vụ KH&CN, có kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện dự án (có nơi đạt khoảng 70% kinh phí thực hiện dự án) - Ông Quang cho biết.

Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Một số địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất và được tỉnh/thành phố ban hành các Chương trình riêng cho KH&CN (như Hà Nội có Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 phê duyệt chương trình KH&CN trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; Hải Phòng, Thái Bình đã ban hành và triển khai 06 Chương trình KH&CN trọng điểm theo từng lĩnh vực.

Tăng cường ứng dụng KH&CN để phát triển nông nghiệp bền vũng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp phát triển công nghiệp địa phương của các tỉnh trong vùng theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, xử lý môi trường để phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi thủ tục đăng ký theo hướng hậu kiểm để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, nhiều kiến nghị được đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về tổ chức bộ máy, về nguồn lực phát triển, về ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN... của các địa phương và của vùng Trong đó, có nhiều ý cần đề nghị các địa phương trong vùng cần cân đối bổ sung ngân sách từ địa phương để từng bước đảm bảo 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố. Đồng thời, hướng trọng tâm hoạt động KH&CN phải gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là về các công nghệ trong sản xuất; nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất và chế biến dược liệu.

Ghi nhận những đề xuất, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng việc chỉ ra khó khăn sẽ giúp bộ, ban, ngành xác định được định hướng cơ bản để hoạt động KH&CN của địa phương có trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định, trong suốt 31 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu lớn, tuy nhiên đồ thị tăng trưởng của nước ta trong vài năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Qua đó cho thấy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào mọi quá trình sản xuất: “Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết 4 nhà mà phải đẩy mạnh liên kết 5 nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và nhà băng phải kết nối chặt chẽ với nhau” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, các tỉnh vùng ĐBSH cần phát huy thế mạnh của vùng, khắc phục những tồn tại hạn chế để đề xuất các nhiệm vụ KH&CN trúng đích, góp phần nâng cao hiệu quả KH&CN trong phát triển - kinh tế xã hội của từng địa phương. Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với các Sở, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để KH&CN của vùng ngày càng phát triển.

Đối với vùng ĐBSH - nơi có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Thứ trưởng cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của KH&CN trong hai năm 2017-2018 là đóng góp nhiều hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

“Trong bối cảnh này, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và đề án tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa theo chuỗi giá trị” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ KH&CN tập trung đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu, đẩy nhanh phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao...

lên đầu trang