Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:13

Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:13

Chính sách

Cập nhật lúc 09:29 ngày 14/08/2017

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy dịch vụ chuyển giao công nghệ ở Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở số liệu thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2006-2016, kết quả điều tra, khảo sát 700 đối tượng liên quan đến các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ (CGCN) trong cả nước, bài viết làm rõ bức tranh tổng quát về thực trạng các loại hình dịch vụ CGCN và đề xuất các giải pháp thúc dẩy dịch vụ CGCN ở Việt Nam hiện nay

Thực trạng dịch vụ CGCN

Thực trạng các tổ chức cung cấp dịch vụ CGCN ở nước ta hiện nay

Theo Luật CGCN 2006, dịch vụ CGCN là hoạt động hỗ trợ quá trình tìm kiếm, giao kết và thực hiện hợp đồng CGCN. Dịch vụ CGCN bao gồm các loại hình: Môi giới CGCN, tư vấn CGCN, đánh giá công nghệ, định giá công nghệ, giám định công nghệ, xúc tiến CGCN.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ CGCN ở nước ta hiện nay được tổ chức dưới hình thức các trung tâm, văn phòng, công ty, phòng thử nghiệm... (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị ngoài nhà nước) có chức năng chủ yếu là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; hoạt động liên quan đến sở hữu công nghiệp, CGCN, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đánh giá, định giá, giám định công nghệ; dịch vụ về thông tin, thống kê KH&CN, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu KH&CN trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo số liệu thống kê năm 2014, cả nước có 212 tổ chức công lập cung cấp dịch vụ chuyển giao KH&CN. Trong đó, phân theo lĩnh vực hoạt động của các tổ chức dịch vụ CGCN, có 64,2% (tức khoảng gần 2/3) số tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, sau đó là các tổ chức cung cấp dịch vụ CGCN trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chiếm 16,5%), tiếp theo là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (12,3%), khoa học nông nghiệp có 5,7% và cuối cùng là khoa học y, dược chỉ có 1,4%. Bên cạnh đó, mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ CGCN ngoài công lập cũng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các loại hình dịch vụ: Tư vấn môi giới, xúc tiến CGCN cũng như đánh giá, định giá và giám định công nghệ. Cùng với các tổ chức công lập, các tổ chức cung cấp dịch vụ CGCN ngoài công lập ngày càng đáp ứng các yêu cầu và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ ở nước ta.

Về phân bố, các tổ chức dịch vụ KH&CN tập trung chủ yếu ở Hà Nội (27,8%) và TP Hồ Chí Minh (13,2%). Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là những vùng có ít các tổ chức cung cấp dịch vụ CGCN.

Vé loại hình dịch vụ cung cấp, theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội năm 2016 và thống kê của Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) giai đoạn 2003- 2016, đa phần mỗi đơn vị trung gian CGCN của nước ta có thể cung ứng nhiều dịch vụ cùng lúc cho khách hàng: Tư vấn, môi giới và xúc tiến CGCN, đánh giá và định giá công nghệ. Trong đó, nếu xét theo loại hình dịch vụ CGCN mà các đơn vị trung gian cung cấp, thì môi giới CGCN là loại hình dịch vụ có nhiều đơn vị cung cấp nhất với 78,6%; tiếp đến là dịch vụ tư vấn CGCN: 75%; dịch vụ xúc tiến CGCN: 64,3%. Trong khi đó, số lượng đơn vị trung gian có thể cung cấp dịch vụ giám định công nghệ là rất ít, chỉ 25% số đơn vị.

Nhu cầu của thị trường với dịch vụ CGCN

Xuất phát từ nhu cầu CGCN và nhận thức ngày càng cao của bên giao và bên nhận công nghệ về vai trò của các loại hình dịch vụ CGCN, những năm gần đây, nhu cầu của thị trường đối với các loại hình dịch vụ CGCN đã hình thành tương đối rõ nét. Theo kết quả khảo sát, trong số 200 đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp có hoạt động CGCN, có 87,5% cho biết có nhu cầu đối với ít nhất một (hoặc nhiều) dịch vụ CGCN (tư vấn, môi giới, xúc tiến CGCN; đánh giá, định giá, giám định công nghệ). Kết quả khảo sát với các đối tượng là chủ sở hữu, tác giả công nghệ cũng cho thấy, có đến 89,0% đối tượng được hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị cung cấp dịch vụ CGCN. Như vậy, có thể thấy các loại hình dịch vụ CGCN có tiềm năng phát triển rất lớn.

Chất lượng các loại hình dịch vụ CGCN

Nhìn chung, dịch vụ CGCN ở nước ta cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hình thành và phát triển. Quy mô các đơn vị cung cấp dịch vụ CGCN còn nhỏ, thiếu các trung tâm dịch vụ CGCN lớn và uy tín; điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chưa đảm bảo; hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp... Đặc biệt, vẫn thiếu các hình thức liên kết thành những mạng lưới... Chính sự thiếu liên kết này đã gây ra những lãng phí đáng tiếc, ví dụ như lãng phí cơ sở dữ liệu thông tin từ các kho thông tin KH&CN trên toàn quốc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, môi giới, đánh giá, định giá, giám định công nghệ, dặc biệt là các chuyên gia đầu ngành còn thiếu và yếu. Việc nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho dịch vụ CGCN không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức cũng là những thách thức không nhỏ cho việc phát triển nền KH&CN nước nhà. Ngoài ra, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài còn nhiều hạn chế.

Khảo sát đối tượng là cán bộ quản lý công nghệ tại các địa phương cũng cho thấy, khó khăn trong phát triển dịch vụ CGCN hiện nay chủ yếu xuất phát từ quy mô thị trường công nghệ nước ta còn nhỏ; chi phí cho các dịch vụ CGCN cao so với năng lực tài chính của doanh nghiệp tiếp nhận; chưa có những hỗ trợ cần thiết cho đơn vị cung cấp dịch vụ CGCN; các đơn vị cung cấp dịch vụ CGCN chưa chủ động tiếp cận cơ quan quản lý trong quá trình hoạt động và tiếp cận thị trường; khung pháp lý về phát triển dịch vụ CGCN chưa đầy đủ, đồng bộ...

Trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ CGCN hiện cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó điển hình là những khó khăn trong việc quản lý kiểm định, giám định, định giá công nghệ; thiếu các hoạt động hỗ trợ về đánh giá, cảnh báo công nghệ; tính liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ CGCN với nhau và với cơ quan quản lý chưa cao; thiếu nguồn nhân lực quản lý và phát triển dịch vụ CGCN; chưa có chế tài phù hợp đối với những vi phạm trong các dịch vụ CGCN; chưa đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền. Bên cạnh đó, việc quản lý đối với các dịch vụ CGCN còn nhiều rào cản pháp lý như: Thiếu các văn bản dưới luật điều chỉnh về các dịch vụ CGCN; Luật CGCN 2006 đã xuất hiện nhiều bất cập trong quá trình thực hiện; chưa có các kênh giải quyết hiệu quả các tranh chấp liên quan đến dịch vụ CGCN; chưa có các bảo đảm pháp lý cho các chủ thể tham gia dịch vụ CGCN; Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến CGCN chưa phù hợp, chưa đi vào cuộc sống.

Một số đề xuất nhằm phát triển các loại hình dịch vụ CGCN ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, dịch vụ CGCN ở nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập trước đòi hỏi của xã hội và yếu kém trong quan hệ so sánh với các nước trên thế giới. Trong thời gian tới, để cải thiện tình hình, chúng ta cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

Một là: tạo dựng môi trường pháp lý cho hoạt động mua bán, tư vấn, đánh giá, định giá và môi giới CGCN đối với sản phẩm KH&CN đòi hỏi trước hết phải cụ thể hóa quyền sở hữu đối với kết quả KH&CN. Đây là nội dung mang tính chất nền tảng cho việc mua bán trên thị trường vì bản chất của hành vi mua bán là chuyển giao quyền sở hữu của chủ thể này sang chủ thể khác. Việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế hiện hành liên quan tới hoạt động KH&CN hướng vào thị trường KH&CN nói chung và hoạt động đánh giá, định giá và môi giới

CGCN nói riêng cần được tiến hành trên cơ sở đưa ra các nguyên lý, nguyên tắc, quy luật của thị trường vào trong các quy định hiện hành. Ví dụ như việc phân chia lợi nhuận thu được sau khi chuyển nhượng, chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN.

Sản phẩm KH&CN được thừa nhận là một loại hàng hóa đặc biệt, không giống như các hàng hóa thông thường khác. Việc định giá sản phẩm KH&CN, lợi nhuận của sản phẩm KH&CN... đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách. Việc góp vốn đầu tư phát triển trong hoạt động KH&CN bằng hiện vật hay bằng quyền sở hữu trí tuệ đều có những đặc thù của nó và đòi hỏi phải được nghiên cứu và cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách.

Hai là, chú trọng nâng cao nhận thức về hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN. Trong đó cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển hoạt động tư vấn, môi giới CGCN, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về vai trò của tổ chức dịch vụ CGCN.

Ba là, Nhà nước cần tăng cường xây dựng hệ thống thông tin mang tính chất cơ bản, nền tảng cho hoạt động tư vấn đánh giá, định giá công nghệ và môi giới CGCN. Trong đó cần đặc biệt chú trọng các hoạt động dự báo công nghệ do Nhà nước tiến hành, kế hoạch phát triển công nghệ, lộ trình công nghệ do Nhà nước xây dựng.

Bốn là, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN. Trước mắt cần tập trung vào những quy định cụ thể về năng lực, phẩm chất mà cá nhân, tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN cần đáp ứng.

Năm là, mở rộng các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN. Khuyến khích một số cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển thành cơ quan dịch vụ môi giới công nghệ mang tính chuyên nghiệp, khuyến khích cán bộ nghiên cứu đứng ra thành lập cơquan dịch vụ môi giới công nghệ; hoạt động tư vấn, môi giới CGCN được hưởng các ưu đãi về thuế, tín dụng...

Sáu là, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Có quy hoạch về đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN (nội dung đào tạo được hỗ trợ nên tập trung vào những vấn đề pháp lý trong CGCN quốc tế; kỹ năng đàm phán, thương thảo hợp đồng CGCN, các bước và kỹ năng tìm kiếm và lựa chọn công nghệ thích hợp; phương pháp đánh giá và định giá công nghệ).

Bảy là, thúc đẩy hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn đánh giá, định giá và môi giới CGCN, bao gồm cả liên kết trong nước và quốc tế.

Tám là, thiết lập một tổ chức trung tâm về CGCN đủ tầm cỡ về quy mô và chất lượng để đánh giá, định giá công nghệ, cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thế chấp, góp vốn, mua bán và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ

lên đầu trang