Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:23

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:23

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 12:05 ngày 24/10/2017

Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững

Để góp phần thực hiện thành công, hiệu quả việc đưa xăng E5 vào sử dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng nay, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo với chủ đề "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững".

Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Hoàng Minh Phương - Phó Cục trưởng, Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì Hội thảo.

Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của dư luận, nhằm đạt được sự đồng thuận cao của xã hội và người tiêu dùng; đồng thời thông tin toàn diện, rộng rãi đến cộng đồng xã hội về sự chuẩn bị của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khi đưa xăng E5 vào sử dụng từ 01/01/2018.

Sử dụng xăng sinh học là tất yếu

Xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn độ, Brasil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Indonesia hiện bắt buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.

Tại Việt Nam, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025"; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và 05 năm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương trên cả nước xây dựng, hoàn chỉnh cơ bản hệ thống cơ chế chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 6 tháng 6 năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 255/TB-VPCP nêu rõ kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi để thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 922, tiếp tục triển khai xăng E10, bảo đảm không gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân và việc sử dụng của nhân dân; Chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng sinh học (E5 RON 92, E10) cho thị trường; tổ chức hộ thống phối trộn, phân phối, kinh doanh, dịch vụ cung ứng xăng E5 RON 92 bảo đảm chất lượng.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chia sẻ kinh nghiệm của địa phương

Khẳng định việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học là tất yếu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, khi triển khai trên diện rộng, phạm vi toàn quốc, cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ các lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng. Bộ Công Thương - với chức năng quản lý Nhà nước về năng lượng nói chung cũng như xăng dầu nói riêng, luôn lắng nghe mọi ý kiến của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng để chỉ đạo điều hành cho phù hợp với tình hình diễn biến thực tế với phương châm kết hợp hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, luôn coi người tiêu dùng là trung tâm của sự phát triển bền vững.

Triển khai đồng loạt các giải pháp

Các tham luận có nội dung, chủ đề tập trung vào các vấn đề kỹ thuật của xăng E5, vùng nguyên liệu đầu vào, an sinh xã hội cho dân cư vùng nguyên liệu, tác động môi trường... đã được trình bày sôi nổi tại Hội thảo.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã triển khai đồng loạt các giải pháp để đảm bảo kể từ ngày 01/01/2018 việc tổ chức kinh doanh mặt hàng Xăng E5 RON 92 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 trên toàn bộ hệ thống phân phối của Petrolimex, cụ thể:

Một là, nghiêm túc phân tích, đánh giá kết quả tổ chức kinh doanh mặt hàng Xăng E5RON92 trong hệ thống phân phối của mình giai đoạn từ tháng 8/2014 (thời điểm Petrolimex bắt đầu tổ chức triển khai kinh doanh mặt hàng xăng E5 RON 92) đến nay, từ đó rút ra kết luận về nguyên nhân kết quả đạt được, những hạn chế còn gặp phải và bài học kinh nghiệm để việc tổ chức kinh doanh xăng E5 RON 92 diện rộng trong thời gian tới đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Hai là, chủ động thúc đẩy công tác truyền thông với rất nhiều các hình thức để người tiêu dùng ngày một hiểu đầy đủ hơn về chất lượng xăng E5 RON 92 đối với động cơ, hiệu quả kinh tế và hiệu quả về môi trường khi mọi tổ chức, cá nhân đều sử dụng mặt hàng xăng E5 RON 92.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; cải tạo, nâng cấp và bổ sung qui trình vận hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật từ các khâu: Kho tồn chứa, hệ thống phối trộn, các phương tiện vận tải thủy, vận tải bộ, vận tải đường ống và cửa hàng xăng dầu.

Bốn là, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn Ethanol thông qua các buổi làm việc với các nhà máy sản xuất Ethanol trong nước, nghiên cứu và tìm hiểu thị trường cung cấp Ethanol từ các nước trong khu vực/thế giới.

Năm là, xây dựng lộ trình kinh doanh xăng E5 RON 92 trong hệ thống phân phối của Petrolimex một cách hợp lý, khả thi.

Sáu là, tiếp tục chủ động báo cáo và kiến nghị kịp thời với Chính phủ về cơ chế, chính sách liên quan đến thuế, giá, phí, hàng dự trữ quốc gia…để đảm bảo hài hoà lợi ích của Người tiêu dùng – Doanh nghiệp – Nhà nước.

Phó TGĐ Petrolimex Trần Ngọc Năm Khẳng định, đến thời điểm 01/01/2018, Petrolimex đáp ứng hoàn toàn

xăng E5 RON 92 trong phạm vi hệ thống phân phối của mình

Tại Quảng Ngãi, từ 01/8/2014 luôn duy trì 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh là xăng E5-Ron 92 và xăng Mogas 95. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thành công xăng sinh học E5 tại địa phương, ông Trần Phước Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo đồng bộ, kịp thời của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự quan tâm và ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và vai trò của người đúng đầu; Nắm chắc, đánh giá đúng thực tế sản xuất và phân phối xăng E5-Ron 92, đề ra chủ trương, quyết sách phù hợp, có căn cứ khoa học; Các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển các mặt hàng xăng và Ethanol; tổ chức tuyên truyền về lợi ích sử dụng xăng E5-Ron 92 một cách hợp lý để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sử dụng xăng E5-Ron 92…

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Nguyễn Phú Cường (giữa)

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng tham gia với các bộ, ban ngành liên quan để xử lý các vấn đề tồn tại, thực hiện đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, do thời hạn chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 sắp đến gần nên phải tăng cường đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tới cộng đồng, thay đổi nhận thức người tiêu dùng để hiểu rõ tác dụng, hiệu quả của nhiên liệu sinh học; làm tốt công tác thị trường, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa với phương châm “vừa mở rộng thị trường vừa tuyên truyền”; nhanh chóng khởi động, đưa vào sản xuất trở lại nhiên liệu sinh học của 2 nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước. Tiếp tục nghiên cứu, phát huy sáng kiến kỹ thuật để tiết kiệm nhiên liệu đầu vào, chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Với các vùng nhiên liệu, cây nhiên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học cần có rà soát cụ thể, có chiến lược ngắn, trung và dài hạn, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng kịp thời chất lượng cao, đảm bảo công ăn việc làm của nông dân, an sinh xã hội của vùng và giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

lên đầu trang