Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:23

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:23

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:54 ngày 24/10/2017

Áp dụng các công cụ nâng cao năng suất: “Lợi đủ đường” cho doanh nghiệp

Tại Việt Nam, việc áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tuy chưa phổ biến, song cũng đã không còn quá xa lạ đối với doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… đem lại hiệu quả và thành công chỉ trong thời gian ngắn.


Doanh nghiệp được... “lợi kép”

Nói về hoạt động sản xuất kinh doanh của Rạng Đông năm 2016, ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) cho biết, chỉ tính năm 2016, Rạng Đông nộp ngân sách nhà nước 281,4 tỷ VNĐ tăng 27% so với năm 2015, bảo đảm thu nhập bình quân cho hàng ngàn người lao động mỗi tháng trung bình đạt 12 triệu đồng/tháng, tăng 14,2% so với năm 2015.

Lợi nhuận thực hiện năm 2016 đạt 188 tỷ, gấp hơn hai lần lợi nhuận kế hoạch 90 tỷ do Đại hội đồng cổ đông giao cho và vượt 149% so với 2015. Ngoài bảo đảm thu nhập bình quân cho hàng ngàn lao động mỗi tháng đạt 12 triệu đồng/người/tháng, tăng 14,2% so với 2015. Rạng Đông đã nộp ngân sách 281,4 tỷ VNĐ tăng 27% so với 2015.

Theo ông Thăng, có được thành công trên, Rạng Đông đã áp dụng chương trình đào tạo trong công nghiệp (TWI) do Viện Năng suất Việt Nam và các chuyên gia trong và ngoài nước vận dụng cụ thể vào thực hành tốt hệ thống 5S, Lean Six Sigma, cân bằng chuyền, Kaizen,… để đưa các công cụ tiên tiến cải tiến năng suất được kiểm chứng trong thực tế hiệu quả.

Cũng như ở Rạng Đông, áp dụng mô hình quản lý tinh gọn Lean tại Công ty CNC - Vina đã tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng của Công ty lên 19%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%, giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.

Nói về những thành công đạt được khi áp dụng công cụ cải tiến 5S vào xí nghiệp của mình, ông An Minh Tiến - Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế tạo thiết bị, lắp máy và điện (Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV) cho biết, sau khi triển khai, áp dụng công cụ 5S, xí nghiệp đã đạt được những thành công nhất định, điển hình đó là một môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng.

Điều này giúp khắc phục và cải thiện môi trường làm việc, giúp công nhân làm việc hứng thú và hiệu quả hơn nhờ đó nâng cao năng suất chất lượng.

Áp dụng thành công công cụ cải tiến 5S tại Công ty CP Nhựa Hưng Yên cũng đem lại rất nhiều lợi ích. Các địa điểm sản xuất của Công ty, như địa chỉ: 115 Nguyễn Thiện Thuật, 91 Nguyễn Văn Linh… không có tiếng ồn, khói bụi. Bên trong cơ sở sản xuất, tường nhà, nền xưởng không bụi bặm, nguyên liệu nhựa trắng phau, sạch tinh và không mùi.

Nhờ việc áp dụng thành công công cụ cải tiến 5S mà năng suất chất lượng của Công ty được nâng lên, lương công nhân của công ty được cải thiện với thu nhập bình quân từ 14 – 15 triệu đồng/tháng (đang đứng top đầu của tỉnh Hưng Yên). Dự kiến đến năm 2021, công ty sẽ thành lập thêm 13 nhà máy, tạo cơ hội cho hàng nghìn lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định ở mức cao.

Phong trào lên cao trong ngành may

Cũng như các ngành nghề khác, ngành may gặp không ít khó khăn với sản phẩm sai lỗi, khu vực kho phải rộng lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng, chi phí sản xuất lớn. Việc áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng trở thành “chìa khóa” màu nhiệm cho các doanh nghiệp này.

Điển hình như tại Công ty May Hưng Nhân - Tổng Công ty Đức Giang, kết quả sau 06 tháng triển khai áp dụng Lean đã giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25-30%. Kết quả mà trước đây doanh nghiệp này “nằm mơ” cũng chưa thấy.

Hay tại Công ty May Nhà Bè, việc áp dụng Lean cũng là hướng đi cho Công ty lập kế hoạch, tính toán chính xác công đoạn phù hợp tiến độ sản xuất, giảm thiểu nguyên phụ liệu, hàng tồn. Xí nghiệp 2 - nơi áp dụng Lean tiết kiệm chi phí trong quản lý, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm giờ làm 1 giờ/ngày cho công nhân, giảm hàng tồn từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn dưới 3%, thu nhập người lao động tăng từ 10-15%.

Tại Công ty CP may Nam Hà, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kazen, Công ty này đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.

Có thể thấy, các mô hình, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật. Thông qua đó, giúp doanh nghiệp thành công, ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững. Xu hướng áp dụng các cung cụ cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp cũng vì thế mà đang trở thành phong trào áp dụng rộng rãi.

Theo http://tintucviet.net.vn

lên đầu trang