Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:39

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:39

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 16:16 ngày 08/11/2017

Thúc đẩy năng suất chất lượng: Doanh nghiệp còn "mơ màng”

Hiện nay, số doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hoặc hệ thống quản lý chất lượng còn rất khiêm tốn. Hạn chế này chủ yếu do nhận thức của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đang có nhiều chương trình góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. 


Nhận thức của doanh nghiệp chưa cao

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đối với vấn đề nâng cao năng suất chất lượng luôn là điều sống còn và cốt lõi trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Nếu doanh nghiệp không thay đổi, không cải tiến, không điều chỉnh theo hướng giảm các chi phí trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng hiệu quả thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vượt xa họ. Do vậy, điều đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp.

“Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, hoặc xây dựng các mô hình điểm. Khi họ áp dụng các mô hình quản lý vào thì tỷ lệ lỗi hỏng trong dây chuyền giảm và thời gian chạy trên dây chuyền cũng giảm xuống, nhờ đó năng suất lao động tăng lên, chất lượng tăng lên và nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm” - ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều tụt hậu về công nghệ so với các nước trong khu vực và phụ thuộc vào máy móc, thiết bị nước ngoài. Cùng với đó là khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp.

Hiện nay, lực lượng chuyên gia cũng như nguồn kiến thức về việc cập nhật công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh doanh. Ngoài ra, bên cạnh khả năng đàm phán để ký hợp đồng công nghệ không được mở rộng thì doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít và liên kết yếu.

Đưa ra giải pháp chung đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô để từ đó nâng cao năng suất của toàn ngành. Mặt khác, tiếp tục tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ.

Ngoài ra, cần cải cách đào tạo nghề trong các trường đại học, trung cấp dạy nghề, tăng phần thực hành kỹ năng áp dụng vào thực tế. Đặc biệt, việc áp dụng những tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000 sẽ giúp các doanh nghiệp có ý thức trong việc đảm bảo chất lượng, môi trường và tuân thủ pháp luật, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc áp dụng những tiêu chuẩn quản lý chất lượng giúp các doanh nghiệp ý thức trong việc bảo đảm chất lượng, môi trường và tuân thủ pháp luật, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.Tuy nhiên, số doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hoặc hệ thống quản lý vẫn chưa nhiều. 

Vì thế, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn hoặc các công cụ cải tiến năng suất chất lượng khác bằng nhiều biện pháp như: tổ chức nhiều lớp đào tạo, chương trình tập huấn về các hệ thống, công cụ quản lý và nâng cao năng suất chất lượng; Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống và công cụ quản lý tiên tiến; tạo diễn đàn chia sẻ kết quả áp dụng hệ thống.

Bộ Công thương sẽ hỗ trợ một số ngành nghề

Thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và Chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, trong năm 2017-2018, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực: Dệt may, Da giầy, Nhựa, Hóa chất, Năng lượng, Thép, Cơ khí, Điện tử – Tin học và Chế biến thực phẩm, Khai thác và chế biến khoáng sản chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 sang phiên bản mới ISO 9001:2015. Đào tạo và chuyển đổi hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004 sang phiên bản mới ISO 14001:2015. Bộ Công thương cũng sẽ hỗ trợ thí điểm doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực cơ khí phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 16949.

Đối với một số lĩnh vực nhựa, cơ khí, chế biến thực phẩm, Bộ Công Thương sẽ thí điểm hooỗ trợ cho các doanh nghiệp (có số lao động trên 100 người) áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000.

Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giầy, điện tử và Cơ khí về đào tạo sẽ được hỗ trợ và áp dụng thí điểm mô hình LEAN – 6 Sigma. Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: dệt may, da giầy, nhựa, hóa chất, năng lượng, thép, cơ khí, điện tử – tin học và chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản sẽ được hướng dẫn triển khai thực hành tốt 5S.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành và Tổ công tác triển khai dự án. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng lại quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nâng cao năng suất lao động vẫn là một bài toán lâu dài đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội.

Thời gian tới Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, sẽ tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng một số mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các ngành đặc thù, làm căn cứ phổ biến để nhân rộng trong các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo http://enternews.vn

 

lên đầu trang