Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:41

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:41

Chính sách

Cập nhật lúc 15:22 ngày 07/11/2017

Chính sách mới sẽ khuyến khích nhập xe nguyên chiếc hơn lắp ráp?

Xuất phát từ đề xuất gần đây của Bộ Tài chính lên Chính phủ về việc điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% nhằm bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN chỉ còn 0% vào năm 2018.

Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất nhập khẩu linh kiện 0%, ngoài điều kiện linh kiện đó không sản xuất được ở Việt Nam, còn có điều kiện sản lượng tối thiểu của nhà sản xuất đăng ký phải từ 34.000 xe/năm vào năm 2018 và 60.000 xe/năm vào năm 2022. Với điều kiện thứ hai này, hầu hết các liên doanh sản xuất ô tô đều cho rằng không thể đáp ứng được. Ngay cả Toyota, thương hiệu có thị phần xe du lịch lớn nhất cả nước hiện nay cũng không thể đáp ứng được vì công suất thiết kế nhà máy của hãng tại Việt Nam tối đa chỉ đạt 50.000 xe/năm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiêm Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - ông Toru Kinoshita nói rằng, VAMA không đồng tình với đề xuất trên của Bộ Tài chính. Vì thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% từ đầu năm 2018 nên trước mắt, VAMA kiến nghị Bộ đề xuất giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018, áp dụng cho tất cả linh kiện CKD nhập khẩu bởi các nhà sản xuất ô tô, cũng như toàn bộ vật tư, bán thành phẩm nhập khẩu bởi các nhà sản xuất phụ tùng ô tô mà không gắn với bất cứ điều kiện nào về sản lượng, nội địa hóa. Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% cho các linh kiện CKD từ năm 2018 mới chỉ tạo ra sự cân bằng về thuế nhập khẩu giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, chứ hoàn toàn không phải là ưu đãi cho sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), giảm thuế mà không gắn với điều kiện về sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Nếu giảm hết thuế nhập khẩu linh kiện thì không thể phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành được.

Năm 2004, Chính phủ đã chuyển cách tính thuế nhập khẩu CKD theo linh kiện rời thì thay vì nhập nguyên chiếc, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh lại tháo rời ra để hưởng thuế thấp cho linh kiện. Cách đối phó này của doanh nghiệp dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa ô tô lắp ráp trong nước hiện vẫn còn rất thấp, kém cạnh tranh với xe lắp ráp ở các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Trên thực tế, trong hai năm qua, một số liên doanh đã giảm lắp ráp các mẫu xe nhưng không tăng công suất. Vì vậy, theo cơ quan này, giảm thuế nhập khẩu linh kiện phải gắn với sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa vì như thế mới đảm bảo duy trì sản xuất lắp ráp, từ đó mới có công nghiệp hỗ trợ.

Giới phân tích cho rằng đề xuất chính sách theo hướng ràng buộc như trên của Bộ Tài chính là hoàn toàn thỏa đáng nếu thời điểm đưa ra các điều kiện là 20 năm trước hoặc ít nhất là 5-7 năm trước, khi mà Việt Nam còn quyền để kiểm soát thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN.

Dung lượng thị trường và sản lượng là các yếu tố chủ chốt quyết định thành công cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Hiện nay, dung lượng thị trường trong nước chỉ khoảng 300.000 xe/năm, trong khi điều kiện cần ít nhất là một triệu xe/năm. Nếu đạt mốc này thì công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước sẽ tự phát triển, không cần phải thúc.

Vì vậy, theo giới phân tích, nếu đề xuất của Bộ Tài chính về điều kiện để hưởng thuế nhập khẩu kinh kiện 0% được Chính phủ thông qua thì có khả năng nhiều liên doanh ô tô sẽ dừng hoàn toàn việc lắp ráp các mẫu xe còn lại để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nhà máy thành viên khác của tập đoàn mẹ trong khu vực. Như thế, khả năng phát triển ngành công nghiệp ô tô chỉ còn trông chờ vào các doanh nghiệp trong nước với ba cái tên là Trường Hải (Thaco), Hyundai Thành Công và Vinfast. Chỉ ba doanh nghiệp này mới có khả năng đáp ứng điều kiện Bộ Tài chính đặt ra.

Theo Trang thông tin điện tử Công nghiệp hỗ trợ

lên đầu trang