Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 12:39

Thứ năm, 18/04/2024 | 12:39

Chính sách

Cập nhật lúc 08:57 ngày 17/11/2017

Phát triển KH&CN vùng Đông Nam bộ: Tạo mô hình liên kết mới

Đông Nam bộ được đánh giá là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất toàn quốc, các doanh nghiệp trong vùng cũng đi đầu trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động…

Thiết bị cho ngành điện, sản phẩm từ Chương trình Vi mạch TPHCM cần được liên kết vùng mạnh hơn Ảnh: T.Ba 

Tuy nhiên, mối liên kết giữa các địa phương để hình thành chuỗi các sản phẩm chủ lực, có lợi thế chưa được chú ý đúng mức do thiếu cơ chế chỉ đạo, sự chia sẻ đồng bộ. Vì vậy, đã đến lúc cần mô hình liên kết mới. 

Chỉ mạnh ở từng địa phương

Tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ lần thứ 14 được TPHCM đăng cai tổ chức, Bộ KH&CN đánh giá trong giai đoạn 2015-2017, hoạt động KH&CN các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả ấn tượng. Theo đó, vùng đã có 1.090 nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp tỉnh được triển khai. Các địa phương trong vùng đã dành khoảng 65% - 70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70% - 75%. 

Ngoài việc quan tâm tới nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu, tính ứng dụng thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất. Điển hình, TPHCM với chương trình phát triển vi mạch đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip thế giới với các sản phẩm điện kế điện tử thông minh, hệ thống HES trong lưới điện thông minh, chip cảm biến áp suất. Tỉnh Bình Dương đã xây dựng giải pháp phần mềm Deface Tracking hỗ trợ kiểm soát, bảo mật thông tin; nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm các giải pháp xác thực đa yếu tố nhằm tăng cường an toàn thông tin. Bình Thuận có hệ thống phần mềm điện toán đám mây mã nguồn mở, được đưa vào ứng dụng tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh…

Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN) Phạm Xuân Đà nhận xét: “Các sở KH&CN vùng Đông Nam bộ đã có một số hoạt động liên kết, hợp tác trong công tác quản lý và triển khai hoạt động KH&CN trong vùng, như tỉnh Đồng Nai ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học trên địa bàn TPHCM về hợp tác phát triển KH&CN đến năm 2020; phối hợp xây dựng chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường TPHCM, tạo chuỗi liên kết trong công tác thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”… Tuy nhiên hoạt động liên kết vùng trong hình thành chuỗi phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế chưa được chú ý đúng mức. Hoạt động liên kết còn mang tính hình thức, chưa có cơ quan điều phối quản lý, chưa gắn kết và thiếu cơ chế chỉ đạo, chia sẻ đồng bộ”. 

Liên kết để cùng phát triển

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Để KH&CN thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, cần có sự liên kết giữa các sở KH&CN trong vùng, cùng phát triển và chia sẻ thông tin. 

Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai, cần liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng. Liên kết này phải dựa trên lợi thế, tiềm năng và điều kiện tự nhiên giống nhau. Trong mỗi liên kết cần có một trung tâm giữ vai trò nhạc trưởng để tránh sự cạnh tranh ảnh hưởng đến quy hoạch và định hướng phát triển chung của cả vùng. 

Còn ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương, đề xuất: “Trước mắt nên tập trung thực hiện 3 vấn đề đơn giản. Đó là chia sẻ về tiềm lực, nhiệm vụ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để tránh lãng phí trong đầu tư trang thiết bị và trùng lắp trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ”.

Giám đốc Sở KH&CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng đặt ra yêu cầu cần có các chính sách và công cụ cụ thể. Trong đó, việc TPHCM đang xây dựng sàn giao dịch công nghệ với 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt chính là công cụ cụ thể để góp phần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển thị trường công nghệ. “Sở đang gửi thư đi các tỉnh, thành trong khu vực và đại sứ quán các nước để giới thiệu và kết nối nhu cầu thiết bị cũng như công nghệ. Sở cũng sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các sở KH&CN trong khu vực tới tham khảo các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP”, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Ông Phạm Xuân Đà đề xuất 6 giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết vùng, gồm: xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động KH&CN của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng; xây dựng mô hình liên kết trong hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng, đảm bảo tính liên kết vùng; liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng; thực hiện tốt công tác quản lý một số lĩnh vực KH&CN có tính chất đặc thù của vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và chuyển giao cơ sở dữ liệu cho vùng; nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai cần quan tâm trước mắt để giải quyết vấn đề vùng.

Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc yêu cầu Cục Công tác phía Nam của Bộ KH&CN phải làm đầu mối tổng hợp các đề xuất, giải pháp để thực hiện liên kết vùng Đông Nam bộ, cũng như các đề xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của vùng.

Theo Báo Sài gòn Giải phóng

lên đầu trang