Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:12

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:12

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 08:40 ngày 05/12/2017

Nhiên liệu sinh học được sử dụng phổ biến trên thế giới

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ những năm 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…

Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ xăng pha cồn từ năm 1975, sử dụng cồn sản xuất từ mía để pha vào xăng với tỷ lệ lên đến 20%, thậm chí có thể lên đến 85% dùng trong ngành vận tải.

Tại Việt Nam, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 đã được sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu

Châu Âu đã quy định bắt buộc áp dụng E5, dự kiến đến năm 2020 áp dụng xăng E10.

Mỹ bắt đầu thử nghiệm sử dụng xăng pha cồn từ năm 1976 sau đợt khủng hoảng năng lượng năm 1973. Hiện nay Mỹ đang sử dụng xăng sinh học E10. Cuối năm 2010, hơn 90% tổng lượng xăng bán ra ở Mỹ được pha trộn với ethanol, ngoài ra nhiều xe ô tô đang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học E100.

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ khoảng 10 năm trở lại đây.

Philippines đưa Luật nhiên liệu sinh học vào năm 2006 quy định bắt buộc dùng xăng sinh học E5 từ năm 2009 và E10 từ năm 2011. Philippines miễn thuế cho phần nhiên liệu sinh học pha vào xăng cũng như miễn thuế sinh học. Các công ty xăng dầu phải mua hết sản phẩm sản xuất trong nước trước khi tìm đến nguồn nhập khẩu. Philippines là một trong những nhà nhập khẩu ethanol lớn nhất ở Châu Á.

Thái Lan cũng sử dụng xăng E5 từ năm 2005, từ năm 2008 đã bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ xăng E10. Ban đầu Chính phủ nước này hỗ trợ xăng sinh học thông qua giá bán và lưu hành song song 2 loại xăng sinh học và xăng truyền thống. Tuy nhiên, kết quả thu được không cao nên hiện nay Thái Lan đã thay đổi phương thức thực hiện chương trình nhiên liệu sinh học của mình.

Từ 1/1/2018 sẽ triển khai đồng loạt thay thế xăng RON92 bằng xăng E5 trên cả nước

Hiện nay, ở Thái Lan chỉ tồn tại xăng sinh học có pha ethanol với tỷ lệ khác nhau, do đó lượng tiêu thụ xăng sinh học tăng lên 93%.

Indonesia cũng bắt đầu buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.

Ấn Độ bắt buộc sử dụng xăng E5 từ năm 2008; từ tháng 10/2015 bắt buộc sử dụng xăng E10.

Ở Việt Nam, với mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”; quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, sang năm 2018, khi loại bỏ xăng RON 92 thay thế bằng E5, cả nước cần có 5,4 triệu m3 xăng E5 và nguồn cung để nguyên liệu E100 để pha chế xăng E5 khoảng 250.00- 270.000 tấn/năm.

Hiện có 4 nhà máy sản xuất là nhà máy cồn Đồng Nai, Quảng Nam, Dung Quất, Bình Phước với tổng công suất gần 400.000m3/năm.

Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học (bioethanol) được sử dụng cho các loại động cơ xăng đốt trong như xe ô tô và xe gắn máy.

Nguyên liệu chính để sản xuất cồn sinh học tại Việt Nam hiện nay là sắn lát khô.

Cồn sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu sinh học được sử dụng như một chất chứa oxy thay thế cho các hợp chất pha vào xăng trước đây như chì hay ete. Cồn sinh học được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột, mật rỉ đường và các phế phẩm nông nghiệp khác.

Xăng sinh học được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới từ nhiều năm nay.  Đây được coi là giải pháp bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 4-5% thể tích cồn sinh học và 95-96% thể tích xăng truyền thống. Theo các kết quả nghiên cứu, động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%.

Chính vì vậy, loại xăng sinh học E5 được coi là thân thiện với môi trường. Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng sinh học E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO và HC. Thêm vào đó, các loại xe thế hệ mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng sinh học E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.

Theo http://infonet.vn

lên đầu trang