Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:14

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:25 ngày 06/12/2017

TP. Hồ Chí Minh tiếp sức cho công nghiệp hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Kinh tế Việt Nam, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Để tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) trực tiếp tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ lĩnh vực công nghiệp; nâng cao chất lượng sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm có chức năng hỗ trợ cho các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ mở rộng được quy mô sản xuất cũng như thị trường.

Với nhiệm vụ đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu giữa các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận với các DN đầu cuối.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cao su Thống Nhất

Hiện tại, phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô được đánh giá là có dư địa rất lớn. Để biết rõ về nhu cầu linh kiện cụ thể, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của DN, trung tâm thường xuyên tổ chức gặp gỡ giữa DN công nghiệp hỗ trợ và các tập đoàn ô tô lớn. Tuy nhiên, trong công tác kết nối đã phát sinh những khoảng cách mà DN trong nước cần phải đầu tư hơn nữa mới đáp ứng được. Chẳng hạn, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn ô tô Mercedes Nhật Bản, DN phải tăng quy mô sản xuất hoặc phải đảm bảo chất lượng sản phẩm rất cao, thậm chí có DN phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ như Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất - DN có được tiêu chuẩn ISO/TS 16949 - một trong những tiêu chuẩn quyết định cho việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của những tập đoàn ô tô lớn như Mercedes Nhật Bản.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang nhận được sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổ chức Lao động Thế giới để làm công tác cải tiến năng suất qua hợp phần hợp tác tại nơi làm việc, với mục tiêu giúp các DN cải tiến năng suất cũng như chất lượng.

“Máy móc chỉ là một phần, hợp tác giữa con người với con người trong công ty, hợp tác để tạo ra sự ổn định mới là điều quan trọng hơn cả. Chúng tôi hy vọng con đường để các DN đến được chuỗi cung ứng của các tập đoàn ô tô lớn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Nhà nước, các cơ quan ban ngành” - bà Lê Nguyễn Duy Oanh nhấn mạnh.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh không chỉ nâng cao chất lượng sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu của các DN làm công nghiệp hỗ trợ, kể cả DN đầu tư nước ngoài nhằm giúp DN dễ dàng liên kết, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, cung ứng sản phẩm, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố phát triển…

Nhà xưởng sản xuất công nghiệp tiêu chuẩn cao tầng tại KCX Tân Thuận

Ngoài ra, thành phố còn xây dựng nhà xưởng cao tầng phục vụ DN vừa và nhỏ. Hiện TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng nhà xưởng từ 3 đến 8 tầng tại Khu công nghệ cao, Khu chế xuất (KCX) Linh Trung, Tân Thuận, Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, Đông Nam. Trong đó, xưởng nhỏ nhất có diện tích 100 m2, lớn nhất là 3.000 m2 để phù hợp với nhu cầu sản xuất nhỏ và vừa của DN.

Theo Ban quản lý các KCX-KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), ngoài mô hình này, HEPZA còn dành hơn 200 ha đất tại KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân 3 để xây dựng khu chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ với nhiều ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư. Trước đó, mô hình nhà xưởng xây sẵn đầu tiên của Khu kỹ nghệ Việt - Nhật với diện tích 13 ha tại KCN Hiệp Phước đã được các DN nhỏ và vừa, chủ yếu là DN Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thuê để sản xuất.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (trong đó chú trọng những ngành trọng yếu: Cơ khí; hóa chất nhựa, cao su; chế biến lương thực, thực phẩm; điện tử - công nghệ thông tin; dệt may; da giày) là hướng đi đúng. Điều này cho thấy sự quyết tâm của TP. Hồ Chí Minh nhằm vực dậy ngành công nghiệp hỗ trợ là mang tính căn cơ, lâu dài.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang