Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:31

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:31

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:50 ngày 07/12/2017

Cần chủ động nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành thăm quan triển lãm 

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn với chuỗi 4 hội thảo quốc tế, 1 triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: tự động hóa, robot, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, fintech, phần mềm... Sự kiện có sự tham dự của trên 1.500 đại biểu là lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia quốc tế.

Thách thức song hành cùng cơ hội

Tại Smart Industry World 2017, các đại biểu đều cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay cách mạng công nghiệp 4.0) tiếp tục được đề cập và khẳng định là xu thế công nghệ tất yếu với các công nghệ trụ cột như: trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D... giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang đến nhiều thách thức cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt về vấn đề hạ tầng công nghệ, an toàn và an ninh thông tin cũng như thích ứng và tận dụng cơ hội mà làn sóng công nghệ 4.0 mang lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa khi chúng ta bàn về một chủ đề mang tính thời sự đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới, tùy theo trình độ phát triển, thực tiễn đất nước, đều đã có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chẳng hạn, như chương trình “Công nghiệp 4.0” của Cộng hòa Liên bang Đức; chương trình “Hợp tác sản xuất tiên tiến” của Mỹ với sáng kiến “Cộng đồng công nghiệp Internet”...

Theo Thủ tướng, ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực. Các Bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4 nghìn trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Tập đoàn Viettel đã được xếp hạng tốp 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN, tốp 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt ngưỡng 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, sự tiếp cận của chúng ta còn rời rạc, thiếu kết nối. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay công nghiệp thông minh là một cuộc chơi lớn, nếu Việt Nam muốn chủ động tiếp cận để tăng tốc phát triển thì phải đồng sức đồng lòng, huy động được nguồn lực toàn dân tộc. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là nguồn lực trí tuệ - con người và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên tất cả các phương diện từ quản trị của nhà nước đến kinh tế - xã hội - môi trường. Trong bối cảnh và xu thế đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những nhận định và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, đối với cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 trước đây, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh, Việt Nam đã không thể bắt nhịp ngay từ đầu, vì vậy, đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng, phải kiên trì vượt qua các thách thức để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Cần xây dựng chiến lược

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Việt Nam vẫn chưa chính thức có một chiến lược riêng về thúc đẩy công nghiệp 4.0. Việt Nam cần có một cái nhìn đầy đủ hơn, đa chiều hơn và phải có một chiến lược tiếp cận hợp lý để có thể nắm bắt cơ hội cải thiện vị thế của cá nhân, tổ chức và của quốc gia và không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này. 

Schneider Electric mang đến triển lãm nhiều công nghệ tiên phong

Trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, đòi hỏi chiến lược riêng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam cần phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, với bước đi phù hợp, có các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi. Những ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia; có chính sách đào tạo lại đối với các lao động, sớm xây dựng và có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, chú trọng quan tâm phát triển nhân lực công nghiệp trong các ngành điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, cần khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng gia đình, từng trường học, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp.  

   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách. Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp thông minh. Các doanh nghiệp tích cực chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các đối tác quốc tế khảo sát, xây dựng báo cáo hiện trạng, dự báo các kịch bản tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến Việt Nam. Trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam để báo cáo Chính phủ.

“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”, Thủ tướng nêu rõ.

Smart Industry World 2017 đã đem đến nhiều giải pháp công nghệ thông minh, tiên phong trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, tự động hóa, nhà thông minh, in ấn 3D… từ các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới như Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chẳng hạn, giải pháp công nghệ robot - tự động hóa từ ABB, Siemens; công nghệ năng lượng mới từ Schneider Electric; mạng và thiết bị di động gắn với cá nhân từ FPT, Huawei, Samsung; mô hình IoT và hệ sinh thái đô thị thông minh từ VNPT, Mobifone; công nghệ giám sát giao thông thông minh, trung tâm dữ liệu thế hệ mới từ Dell EMC…

Quỳnh Nga

 

lên đầu trang