Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:27

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:27

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:04 ngày 14/12/2017

Đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế

Nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với Việt Nam, Chính phủ cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển... để tìm ra các giải pháp, chính sách phù hợp để cụ thể hóa mục tiêu trên.


Phát biểu khai mạc Diễn đàn phát triển Việt Nam –VDF 2017 với chủ đề “Tăng năng suất - đòn bẩy cho sự phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội, sáng 13/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặp hái được nhiều thành công; trong đó thành công lớn nhất là sau nhiều năm, cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao dự kiến đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề chất lượng tăng trưởng và một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng tăng trưởng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng là năng suất. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng năng suất, Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo, điều hành các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với tinh thần phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được và khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại của năm 2017. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, nâng cao liêm chính; tranh thủ mọi thời cơ, tận dụng các cơ hội; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo cũng như tạo sự đồng thuận cao của toàn hệ thống, hành động quyết liệt, hướng tới phát triển nhanh, bền vững. 

“Mặc dù vậy, nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với Việt Nam. Chính phủ rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, chính sách phù hợp để cụ thể hóa mục tiêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Trong chương trình nghị sự của VDF 2017, hai chủ đề được tập trung thảo luận đó là “Tăng trưởng năng suất - xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam” và “Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, trong chương trình nghị sự của Diễn đàn, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ gợi mở, “ hiến kế” và kiến nghị với Chính phủ những giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất nhằm tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam, đồng chủ tọa Diễn đàn cho biết, đây là sự kiện hết sức quan trọng và hy vọng VDF 2017 sẽ chia sẻ được những vấn đề quan trọng của Việt Nam. Ông Ousmane Dione cho biết, năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thời gian qua, Việt Nam đã được nhiều kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: chỉ số cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp... tăng lên đáng kể. 

Tuy nhiên, ông Ousmane Dion cho rằng, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 4%, so với 7% của Trung Quốc. Với tốc độ như vậy sẽ đe dọa sự tụt hậu, kém hiệu quả trong sử dụng các yếu tố đầu vào.

“Do đó, Việt Nam cần chuyển đổi để vươn lên, cải thiện trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phải nỗ lực liên tục và có tinh thần quyết tâm, tạo sự minh bạch, huy động nguồn lực tổng hợp để cải thiện, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự phát triển của thị trường lao động; gia tăng chất lượng giáo dục, đào tạo theo chuẩn quốc tế để tận dụng thời gian; chủ động chuyển giao, áp dụng những công nghệ mới”, ông Ousmane Dione bày tỏ. 

VDF 2017 với mục đích phân tích thực trạng và các trở ngại cho việc tăng năng suất tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất và các giải pháp lâu dài cho Việt Nam phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các nền kinh tế phát triển. 

Xác định đây là vấn đề khá mới tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đối tác phát triển và các cơ quan liên quan mời các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước phân tích sâu vấn đề này cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các nước để hoạch định chính sách tăng năng suất cho Việt Nam. 

Kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trên thế giới cho thấy, tăng năng suất là một trong những nhân tố trung tâm và động lực tạo ra sự phát triển bền vững, bứt phá của một quốc gia. Tại Việt Nam, nhân tố này đang có dấu hiệu chững lại và nếu không có những cải cách căn bản dễ dẫn tới nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế trong khu vực và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo http://bnews.vn/

lên đầu trang