Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 10:25

Thứ tư, 24/04/2024 | 10:25

Chính sách

Cập nhật lúc 09:47 ngày 17/07/2018

Giải pháp phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025

“Vai trò sâu sát của lãnh đạo Chính phủ là yếu tố thành công quan trọng nhất.” Đó là nhận định của ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khi trình bày về một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam tại hội thảo chuyên đề "Những xu hướng lớn của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - nhận diện và khuyến khích đối với Việt Nam" diễn ra ngày 13/7/2018 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của 300 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu và tổ chức trong nước, quốc tế. 

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: CafeF)

Thách thức trong xây dựng Chính phủ điện tử

Theo xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á theo đánh giá của Liên hiệp quốc, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2014. So với các quốc gia trong ASEAN, Việt Nam đã giảm 1 bậc và đứng ở vị trí thứ 6/11 quốc gia, sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.

Ở Việt Nam, quá trình phát triển Chính phủ điện tử đã trải qua 3 giai đoạn, đầu tiên là giai đoạn từ 2001 - 2007. Đây là giai đoạn Việt Nam thực hiện quá trình biến đổi hóa. Tiếp sau đó là giai đoạn 2006 - 2014 và 2015 - 2017, trong đó giai đoạn 2015 - 2017 là giai đoạn thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.

Hiện nay, trên con đường phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có những khó khăn, thách thức về con người và về thể chế, quy định. Về con người, việc phát triển Chính phủ điện tử còn gặp khó khăn do người đứng đầu một số Bộ, ngành địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện và bảo đảm nguồn lực còn yếu. Trong khi đó, công cụ đánh giá, giám sát việc triển khai của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và sự gắn kết chặt chẽ giữa cacir cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu. 

Ngoài ra là những thách thức như tâm lý, thói quen cất cứ thông tin, không muốn chia sẻ/mở thông tin dữ liệu; thiếu kỹ năng quản lý và kỹ năng công nghệ trong đội ngũ cán bộ công chức; chưa rõ trách nhiệm giải trình của người nhận trách nhiệm.

Bàn về vấn đề con người, ông Ngô Hải Phan cũng khẳng định, nguồn nhân lực đang là vấn đề được quan tâm khi xây dựng Chính phủ điện tử. Việc đào tạo thêm cho công chức đã được tính tới. Thậm chí, có thể sẽ phải bồi dưỡng kiến thức cho người dân để biết cách sử dụng công nghệ trong tương tác với chính quyền, sử dụng dịch vụ công.

Bên cạnh những thách thức về mặt con người là những khó khăn, thách thức về mặt thể chế, quy định. Việt Nam hiện đang thiếu khung pháp lý về phát triển Chính phủ điện tử và một số cơ chế, chính sách quan trọng; thiếu pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức và các giao dịch trên môi trường mạng, đặc biệt khi cung cấp dịch vụ hành chính công cũng như thiếu quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. 

Việc cấp chứng thư số còn chậm, ảnh hưởng đến việc giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp; thiếu quy định về tiêu chuẩn hóa thông tin và quy trình hóa công việc để tiến tới điện tử hóa; thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ,....

"Thiếu thể chế về xác thực, định danh điện tử,… nên mọi người hô hào làm Chính phủ điện tử nhưng công việc xác thực, định danh vẫn phải bằng giấy. Chính vì vậy, không ai nói chuyện với nhau được, không ai bảo đảm tính xác thực, pháp lý. Đầu tư như vậy là lãng phí. Có hai nền tảng rất quan trọng là nền tảng dữ liệu dùng chung và chia sẻ dữ liệu thì chưa làm được. Cho nên dữ liệu không kết nối, không chia sẻ được. Và rồi cơ quan nào cũng như nhau, chỉ xây nhà ống, nhà kho" – ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong xây dựng Chính phủ điện tử 

Bàn về mức độ trưởng thành của Chính phủ điện tử, theo ông Ngô Hải Phan, Việt Nam mới đang ở những bước đi đầu tiên, nên còn nhiều giai đoạn cần thực hiện. Vì vậy, trong giai đoạn 2018 - 2025, chúng ta cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm: xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc nhằm chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, số hóa, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; thiết lập cơ chế đảm bảo thực thi với mục tiêu, chỉ tiêu đo lường kết quả cụ thể, cơ chế theo dõi, giám sát, trách nhiệm giải trình, xử lý kịp thời vướng mắc và nguồn lực tài chính, con người để bảo đảm thực thi.  

Việt Nam mất tới 12 năm để cải thiện được 23 bậc. Trung bình giai đoạn 2004 – 2016, Việt Nam cải thiện được chưa tới 2 bậc trên bảng xếp hạng.

“Hy vọng với thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc về Chính phủ điện tự. Bình thường mỗi năm đi hơn 1 bậc, phấn đấu cố gắng để mỗi năm nhảy 10 bậc. Từ nay đến năm 2020 phải nhảy 20 bậc, và đến năm 2025 nhảy được 20 bậc nữa thì hạnh phúc" – ông Ngô Hải Phan kỳ vọng. 

Hà Nguyễn

 
lên đầu trang