Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 23:06

Thứ bảy, 20/04/2024 | 23:06

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:42 ngày 26/07/2018

Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI

Sau hơn 30 năm, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): 25.000 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 320 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây mới chỉ là thành công về mặt số lượng. 

Thực tế, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI ở nước ta còn rất thấp và đang có xu hướng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc… Thậm chí, theo báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, Việt Nam còn xếp  hạng sau Campuchia trong lĩnh vực này.


Hiện nay, Việt Nam chỉ thu hút FDI ở khâu gia công, có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, do đó 80% số lượng công nghệ được chuyển giao là công nghệ trung bình và số lượng công nghệ cao chỉ chiếm 6%. 

Khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp nên khó có thể hợp tác được với doanh nghiệp ngoại. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động đổi mới, nghiên cứu và triển khai (R&D): khoảng 80% doanh nghiệp không có cơ sở R&D. 

Một chu trình chuyển giao công nghệ được xem là hoàn tất khi bên nhận chuyển giao làm chủ được công nghệ và từ nền tảng đó tiếp tục tự nghiên cứu phát triển thêm. Các nước có công nghệ đi sau sẽ nhập công nghệ qua kênh FDI, sau đó tiến tới giai đoạn khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo. Chu trình chuyển giao này đòi hỏi một chiến lược dài hạn và nỗ lực của cả chính phủ và doanh nghiệp.


Xét đến Thái Lan, quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chiến lược chuyển giao công nghệ được thực hiện tuần tự và có sự ưu tiên rõ ràng về ngành nghề, lĩnh vực thu hút FDI theo từng thời kỳ. Từ năm 1960-1980, Thái Lan thúc đẩy chuyển giao công nghệ để đón dòng vốn FDI, đặc biệt từ Nhật Bản và Mỹ. Giai đoạn 1981-1991, Thái Lan đưa ra nhiều chính sách nhắm đến thu hút FDI cho ngành máy móc, điện tử và công nghiệp phụ trợ trong nước. Giai đoạn 1991-1996, lĩnh vực công nghệ cao được chú trọng để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến. Từ 1997 đến nay, Thái Lan tập trung chuyển giao công nghệ về năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng...

Nhờ có dòng vốn FDI, công nghệ và kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nội địa Thái Lan đã có sự cải thiện rõ nét theo từng giai đoạn. Chiến lược thu hút FDI của Thái Lan đi kèm với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho phép doanh nghiệp nhanh chóng nhận được chuyển giao công nghệ theo chiều dọc. Đồng thời, Thái Lan cũng hình thành các quỹ phát triển đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ với hình thức doanh nghiệp phải bỏ ra ít nhất 50% kinh phí và nhận được khoản vay ưu đãi lãi suất thấp với số tiền còn lại. 

Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là thu hút đầu tư FDI phải có trọng tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để có thể tận dụng tối đa những công nghệ tiên tiến theo chiều dọc thay vì thu hút dàn trải như hiện nay. Mặt khác, chiến lược chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI cần nằm trong một chiến lược phát triển khoa học - công nghệ tổng thể của quốc gia. Bản thân chính doanh nghiệp nội địa cũng cần quan tâm đến đầu tư phát triển của khoa học - công nghệ. 

Ngọc Diệp 

 
lên đầu trang