Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:14

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:14

Chính sách

Cập nhật lúc 10:07 ngày 30/07/2018

Đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0

Tâm điểm của cách mạng 4.0 là những nhà máy thông minh được vận hành bằng các dây chuyền tự động hóa, rô-bốt làm việc thay con người. Điều này không chỉ đe dọa việc làm của những lao động có trình độ thấp mà ngay cả lao động kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không được trang bị kỹ năng mới. Lúc này, lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế mà trở thành thách thức lớn của nước ta trong cuộc CMCN này.


Thực tế là công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là “thừa thầy, thiếu thợ” do tâm lý sính bằng cập. Ngoài ra, đối với việc học nghề, người học nghề xong không tìm được việc làm; đào tạo nghề không theo nhu cầu thị trường; người học nghề sau khi tốt nghiệp, đi làm tại các doanh nghiệp phải đào tạo lại diễn ra ở nhiều nơi.

Nhân lực chất lượng cao không phải là một người có thể làm được nhiều việc, mà là mỗi người làm tốt công việc của mình trong dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyên môn hóa ở mức độ rất cao. Để có được nguồn nhân lực 4.0, ngay từ lúc này, nhà trường phải cập nhật cho sinh viên những kiến thức mới, đặc biệt là kỹ năng mềm; tùy theo điều kiện của mỗi trường để lựa chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp. Điều này đòi hỏi các trường phải lấy người học làm trung tâm; đội ngũ giáo viên dạy nghề phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng mới theo chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực đón nhận làn sóng CMCN 4.0, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN này, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có đội ngũ 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.


Với mong muốn thúc đẩy các hoạt động GD, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên CMCN 4.0, trong những năm qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thay đổi chiến lược đào tạo của trường: cải tiến xây dựng chuẩn đầu ra các môn học nhằm cung cấp cho SV những năng lực cốt lõi, phát huy tối đa năng lực và sẵn sàng hội nhập.

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn SAP đã ký kết bản ghi nhớ cùng hợp tác xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và chuẩn bị cho sinh viên gia nhập thị trường việc làm. 

Sinh viên của trường sẽ có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới của CMCN 4.0 như Internet vạn vật (IoT), học máy (Machine Learning), đồng thời cung cấp những kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề với phương pháp tư duy thiết kế...

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác đối tác với các tập đoàn doanh nghiệp và công nghiệp như VNPT, Siemens, Samsung. PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường hi vọng thông qua hợp tác, sinh viên có thể được trang bị những hiểu biết và những kỹ năng thực tế khi làm việc với doanh nghiệp.

Ngọc Diệp 

lên đầu trang