Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:26

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:26

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:41 ngày 30/07/2018

Phát triển công nghiệp điện tử thành ngành công nghiệp chủ lực

“Ngành công nghiệp điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh và trở thành ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây “ là nhận định của ông Lưu Hoàng Long - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) tại buổi họp báo và ký kết thỏa thuận hợp tác về tổ chức Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp hỗ trợ “Supporting Industry Show 2018” ở TP. Hồ Chí Minh ngày 26/7/2018 vừa qua.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đạt hơn 73, 9 tỷ USD, gấp gần 5 lần ngành da giày và gấp 2,5 lần công nghiệp dệt may. Đây là ngành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngành công nghiệp điện tử  trở thành ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2018 bứt phá mạnh, tăng 11,6% – đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 03 năm gần đây. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng ở mức 13,9%, trong đó điện tử vẫn giữ vị trí ngành then chốt.

Như vậy có thể thấy xu hướng chuyển dịch và đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam trở thành xu thế chủ đạo của các nhà đầu tư trong những năm gần đây. Tăng trưởng đầu tư FDI tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử cũng đạt tỷ lệ cao nhất cả nước và đứng đầu cả nước về tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 5 năm qua.

Số lao động trong ngành công nghiệp điện tử tăng trên 60.000 lao động trong năm 2017. (Ảnh minh họa: Internet)

Đến nay, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI từ những tập đoàn đầu thế giới như Samsung, Foxconn, Intel, Canon, LG, Panasonic... 

Từ 2011-2015, số lượng các doanh nghiệp điện tử tăng gấp 2 lần và đạt 1.237 doanh nghiệp (năm 2017). Số lao động trong ngành này cũng tăng 2 lần và trên 600.000 lao động trong năm 2017.

Có thể thấy, ngành công nghiệp điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển chung của đất nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, đến năm 2020, ngành điện tử, CNTT sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng từ 9 – 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

Ngọc Minh

 
lên đầu trang