Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:41

Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:00 ngày 02/08/2018

5 công nghệ có thể thay đổi thương mại toàn cầu

Gần đây, thương mại quốc tế thu hút phần lớn sự chú ý của truyền thông, tập trung vào các vấn đề  đáng lo ngại như chiến tranh thương mại, thuế quan và trật tự thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta đã quên không nhắc đến những điểm sáng về công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang biến đổi nền thương mại bằng cách "hoàn thiện" các quy trình. 

Những công nghệ này, khi được kết hợp với nhau, có thể làm thay đổi cơ bản cách thức phân bổ nguồn lực và hoạt động thương mại. Chính phủ các nước và doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng này để "đi trước, đón đầu". 

Dưới đây là 5 công nghệ biến chuyển thương mại toàn cầu: 

1. Blockchain 

Blockchain và những công nghệ có nền tảng từ blockchain có khả năng tác động lớn đến chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu. Nhiều tổ chức thương mại như Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai đã nảy ra sáng kiến sử dụng blockchain để giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại toàn cầu như chi phí cao, tính thiếu minh bạch và nguy cơ về an ninh. 


Ngoài việc hỗ trợ vận chuyển hàng hóa hiệu quả và đáng tin cậy hơn, blockchain còn ảnh hưởng tích cực đến tài chính thương mại thế giới bằng cách đơn giản hóa quá trình phát hành/nhận thư tín dụng (Letter of Credit), một quá trình thanh toán trong thương mại quốc tế. 

Ví dụ như Deloitte đã hỗ trợ một ngân hàng tư nhân Ấn Độ phát triển giải pháp sử dụng công nghệ blockchain (dựa trên nền tảng Ethereum) làm giảm thời gian phát hành thư tín dụng từ 20-30 ngày xuống còn vài giờ. Hay các công ty như Skuchain đã bỏ qua thư tín dụng, thay vào đó, theo dõi hàng hóa và vốn trữ kho bằng thời gian thực để tránh rủi ro giao dịch, đồng thời cho phép các nhà đầu tư giảm vốn luân chuyển đến tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng với chi phí vốn thấp nhất.

2. Trí tuệ nhân tạo và máy học 

Trí tuệ nhân tạo và máy học có thể được sử dụng để lựa chọn tuyến đường vận chuyển hợp lý nhất, quản lý lưu lượng tàu xe tại cảng, dịch các câu hỏi về thương mại điện tử từ ngôn ngữ  này sang các ngôn ngữ khác và đưa ra câu trả lời bằng ngôn ngữ đã được dịch. 

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn góp phần làm thương mại toàn cầu phát triển bền vững hơn. Ví dụ như Google ra mắt Global Fishing Watch năm 2016, một công cụ sử dụng học máy thời gian thực, được sử dụng để chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp bằng cách cho phép theo dõi toàn bộ hoạt động đánh bắt cá trên toàn cầu thông qua chuyển động của tàu bè và dữ liệu vệ tinh. Chính phủ và các tổ chức khác có thể sử dụng công cụ này để xác định những hành vi đáng ngờ và xây dựng các chính sách đánh bắt cá bền vững.

Global Fishing Watch

3. Dịch vụ giao dịch dựa trên nền tảng kỹ thuật số

Giao dịch trực tuyến đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Các nền tảng kỹ thuật số như Upwork cho phép người dùng tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp như VIPKID lại kết nối giáo viên Mỹ với trẻ em Trung Quốc để dạy và học tiếng Anh trực tuyến. Như vậy, các nền tảng kỹ thuật số này liên tục kết nối khách hàng với các nhà cung cấp dịch vụ. 

4. In 3D

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy khi in 3D tốc độ cao được sử dụng một cách phổ biến với giá cả phải chăng, thương mại toàn cầu có thể giảm tới 25% vì in 3D yêu cầu ít nhân công và làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Ngược lại, nhiều người lại cho rằng quan điểm này quá lạc quan và chưa tính đến sự phức tạp của việc sản xuất hàng loạt. Dù quan điểm nào là đúng thì tác động của in 3D lên thương mại toàn cầu vẫn là có thật, nhất là các phương pháp in 3D với tốc độc nhanh hơn và giá rẻ hơn trở nên phổ biến. 

5. Thanh toán bằng di động 

Thanh toán bằng di động đã và đang thay đổi thói quen sinh hoạt của chúng ta và mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội thị trường hơn. Theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, số lượng người truy cập vào tài khoản ngân hàng tăng 20% trong giai đoạn 2011-2014 và tài khoản trên di động là động lực chính của tài chính toàn diện (financial inclusion), đặt biệt là ở những nền kinh tế mới nổi. 

Ở vùng Châu Phi Hạ Sahara, 12% người trưởng thành (64 triệu người) có tài khoản trên dị động (trong khi đó con số này ở toàn cầu chỉ là 2%) và 45% trong số họ chỉ có tài khoản trên di động. Sử dụng tài khoản trên di động, họ sẽ tham gia vào thương mại toàn cầu dễ dàng hơn, dù với vai trò là khách hàng hay doanh nghiệp. 

Ngọc Diệp (Theo World Economic Forum) 
lên đầu trang