Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 07:15

Thứ năm, 18/04/2024 | 07:15

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:16 ngày 09/08/2018

Ngành Công Thương đón sóng 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực, làm thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh.  

Bước đầu tiếp cận

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh CMCN 4.0, một số tập đoàn, tổng công ty ở một số ngành như điện lực, dầu khí, bia, rượu, nước giải khát… đã có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao, tiệm cận với các công nghệ của CMCN 4.0.

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với đa số các nhà máy sản xuất bia đều có trình độ tin học hóa và tự động hóa ở mức cao

Điển hình, phải kể đến Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, với đa số các nhà máy sản xuất bia đều có trình độ tin học hóa và tự động hóa ở mức cao. Trong đó, Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi được đánh giá là đơn vị có trình độ phát triển nhất hiện nay. Phòng kiểm nghiệm của nhà máy đã lắp đặt phần mềm LIMS (Laboratory Information Management System) để quản lý hoạt động, thống kê, giám sát, đánh giá khả năng đo kiểm của thiết bị và nhân viên.

Hay như Công ty CP Hòa Việt của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tiếp cận với những công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng này bằng việc thiết kế và lắp đặt hệ thống băng chuyền kiểm đếm nguyên liệu được tự động hóa từ khâu nhập liệu đầu vào cho đến thành phẩm, các máy móc trực tiếp "giao tiếp" với nhau mà không cần sự tham gia của con người. Ngoài ra, công ty cũng triển khai thiết kế và ứng dụng phần mềm quản lý đồng ruộng từ xa giúp kiểm soát, quản lý các hoạt động vùng trồng trở nên đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Tăng cường hỗ trợ

Khi đánh giá về những tác động của CMCN 4.0, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - cho rằng, cuộc CMCN 4.0 không của riêng quốc gia nào, nếu không có tư duy đổi mới, phát triển và ứng xử phù hợp thì sẽ bị đào thải. DN cần phải hiểu đúng và đầy đủ về cuộc CMCN 4.0, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà DN cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi DN cần xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Đức Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology - cho rằng, trước tốc độ phát triển của cuộc CMCN 4.0, trong vòng 2 - 3 năm tới, nếu các DN không có sự đầu tư, chính sách đổi mới công nghệ, có thể sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, để khuyến khích DN đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nhà nước cần tạo điều kiện tối đa để DN tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ.

Trước vấn đề này, đại diện Vụ KH&CN cho biết, nội dung nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 đối với DN ngành Công Thương đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong Đề án Ứng dụng KH&CN trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương. Đặc biệt, trong năm 2018, Vụ KH&CN sẽ triển khai và tiếp tục đề xuất xây dựng một số dự án điểm về xây dựng mô hình nhà máy số trong các ngành sản xuất công nghiệp - "tâm điểm" của cuộc CMCN 4.0. Từ việc triển khai thí điểm thành công mô hình này tạo sự lan tỏa cho các DN sản xuất trong ngành Công Thương. Bên cạnh đó, vụ cũng tăng cường hợp tác quốc tế, truyền thông tạo hiểu biết và nâng cao nhận thức cho DN nhằm hiểu đúng về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0.

Vụ KH&CN đang phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành khảo sát, đánh giá một cách toàn diện tác động của CMCN 4.0 đối với phát triển ngành Công Thương. Đồng thời, xem xét tính sẵn sàng của các DN trong việc chuyển đổi sang mô hình DN số, làm căn cứ để hỗ trợ DN.

 

Quỳnh Nga/ Báo Công Thương

lên đầu trang