Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:38

Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:38

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:49 ngày 09/08/2018

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp

Ngày 8/8, Hội thảo chia sẻ thực hành tốt và xây dựng năng lực truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO) - TS. Wee Kheng Soon Rodney, các đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và đông đảo doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp Quacert Phạm Lê Cường cho hay, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều hạn chế. Một số tem, nhãn thông thường trên sản phẩm không thể hiện đầy đủ thông tin truy xuất. Hàng thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng bối rối.

“Việc thực hành tốt và xây dựng năng lực truy xuất nguồn gốc sản phẩm tốt sẽ giúp chúng ta biết về nguồn gốc sản phẩm. Đây là xu thế tất yếu và giải pháp quản lý nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, ông Cường nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp Quacert Phạm Lê Cường

Tại Hội thảo, chuyên gia của APO - TS. Wee Kheng Soon Rodney đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những lợi ích, ứng dụng truy xuất nguồn gốc; các phương pháp và bài học kinh nghiệm về ứng dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc ở các quốc gia trên thế giới.

Chuyên gia APO - TS. Wee Kheng Soon Rodney

Cũng phát biểu tại Hội thảo, đại diện Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cho biết, để xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái mã số mã vạch, Tổng cục TCĐLCL đã hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp bổ sung cơ sở dữ liệu vào hệ thống mã số mã vạch.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các quy định về kê khai thông tin sản phẩm, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp gắn mã số mã vạch, từ cuối năm 2014, GS1 Việt Nam đã tiến hành xây dựng thành công phần mềm IDD (International Direct Dialling) khai báo, quản lý mã số mã vạch trực tuyến phiên bản IDD 3.0 (năm 2018 đã nâng cấp lên phiên bản 4.0) miễn phí cho doanh nghiệp tự kê khai, quản lý, lưu trữ và tự động cập nhật trực tuyến thông tin về sản phẩm gắn mã số mã vạch.

Điều này giúp doanh nghiệp tự cấp và quản lý mã toàn cầu phân định thương phẩm GTIN (Mã số thương phẩm toàn cầu), phân định địa điểm GLN (Mã toàn cầu phân định địa điểm) với khả năng tạo mã vạch tương ứng, góp phần quảng bá miễn phí hình ảnh doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua phần mềm Scan and Check của Tổng cục TĐCĐLCL và thông qua mạng đăng ký toàn cầu thông tin điện tử các bên sử dụng mã số mã vạch (GEPIR – Global Electronic Parties Information Registry có tại http://gepir.gs1.org.vn/).

Ông Phạm Quốc Bình – Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Trung tâm Quacert đã giới thiệu về tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu, tiêu chuẩn này nhằm cung cấp những hiểu biết và kiến thức quan trọng cho các tổ chức hoặc ngành công nghiệp, kinh doanh đang mong muốn phát triển, xây dựng các mục tiêu truy xuất nguồn gốc dài hạn.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã có dịp trao đổi, chia sẻ về những khó khăn tồn tại trong công tác truy xuất nguồn gốc. Qua đó đề xuất những phương án tháo gỡ, hướng đến xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một số quy định của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm:

1. Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ NN&PTNT Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

2. Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/1/2011 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản.

3. Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ NN&PTNT Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn. Đối tượng áp dụng: cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật; và động vật trên cạn.

4. Quy định EU số 178/2002/EC (điều 18).

Theo http://vietq.vn

lên đầu trang