Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 13:52

Thứ bảy, 20/04/2024 | 13:52

Chính sách

Cập nhật lúc 10:23 ngày 14/08/2018

Ngành sản xuất nguyên phụ liệu may mặc thu hút đầu tư

Thời gian gần đây, lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu ngành may "chào đón" nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Điển hình là dự án Nhà máy sản xuất chỉ may thêu phục vụ ngành dệt may và da giày của Tập đoàn Amann, Đức, vừa được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Tam Thăng, Quảng Nam. 

Amann là một trong 3 tập đoàn hàng đầu về sản xuất, phân phối sản phẩm chỉ may thêu trên toàn cầu, phục vụ công nghiệp hỗ trợ trong các ngành như tự động hóa, sản phẩm ngoài trời, trang phục thể thao, may mặc, túi xách, giày dép…


Amann đầu tư 13,8 triệu USD vào giai đoạn đầu tiên của dự án với công suất ước khoảng 1.000 tấn chỉ/ năm. Ngoài ra, tập đoàn còn tổ chức nhiều chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho công nhân trong các lĩnh vực nhuộm, hóa học dệt may, cơ khí để chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho Việt Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/2019 với 250 người lao động. 

Trước Amann, một nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH Sản xuất sợi chỉ Rio Quảng Nam, thuộc Công ty Rio Industries Co., Ltd, đã đầu tư 12 triệu USD xây dựng nhà máy chuyên sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ nilon và các loại chỉ may công nghiệp khác với quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm... Hiện nhà máy đang hoạt động ổn định và cung cấp nguồn nguyên liệu chỉ lớn cho các doanh nghiệp trong ngành và xuất khẩu. 

Đầu năm 2018, Hà Nam nhận được dự án Nhà máy YKK Hà Nam từ nhà đầu tư Nhật bản với tổng giá trị lên tới 80 triệu USD. Dự án tại Khu công nghiệp Đồng Văn III, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, chuyên sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan, nguyên phụ liệu dùng cho ngành may, với quy mô sản xuất 420 triệu sản phẩm/năm. 

Như vậy, sau một thời gian chỉ tập trung vào ngành vải sợi và may mặc, các nhà đầu tư FDI đã chuyển hướng sang mảng phụ liệu ngành may Việt Nam không chỉ bởi môi trường đầu tư kinh doanh đang của nước ta đang không ngừng được nâng cao mà còn bởi chỉ may trong ngành dệt may và phụ liệu ngành may như cúc, mex, khóa kéo, băng chun... là những mặt hàng thuộc danh mục diện ưu tiên đầu tư theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025. 

Theo đó, từ trong gian đoạn 2016-2020, Chương trình sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu và xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ. 

Ngọc Diệp 
lên đầu trang