Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:57

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:57

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 11:50 ngày 27/08/2018

Tham gia Chương trình 712: Tiết kiệm tiền tỷ

Hơn 5 tỷ đồng là con số mà Công ty CP Cao su Phước Hòa (Bình Dương) tiết kiệm được trong 3 năm (2015 - 2017), sau khi tham gia Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712).


Tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Tào Mạnh Cương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty CP Cao su Phước Hòa - cho biết: Với sự hỗ trợ từ Chương trình 712, cuối năm 2015 công ty đã phối hợp với Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Sau hơn 7 tháng xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; trải qua 3 lần đánh giá nội bộ và 2 lần đánh giá chứng nhận bên ngoài, Cao su Phước Hòa đã được Quacert cấp Giấy chứng nhận ISO 50001:2011. Điều này giúp cho quy trình chế biến mủ cao su của công ty không chỉ tiết giảm chi phí năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm, bảo vệ môi trường mà còn cải tiến hiệu suất năng lượng cũng như chất lượng sản phẩm; nâng cao hình ảnh, uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cụ thể, công ty đã sử dụng nhiên liệu biomass thay thế dầu DO, FO, GAS đun nóng dầu tản nhiệt để sấy cao su giúp tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng trong 3 năm (2015 - 2017). Ngoài ra, năm 2017, công ty đã thay đổi một số thiết bị sản xuất và hệ thống làm nguội mủ ra lò giúp tiết kiệm được hơn 150 triệu đồng.
Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống nhà máy chế biến mủ tại chỗ. Cụ thể, công ty đã xây dựng được một phòng quản lý chất lượng phù hợp theo TCVN ISO/IEC 17025:2005. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức phát động các phong trào thi đua như rèn luyện tay nghề nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; phối hợp với công đoàn vận động công nhân đăng ký làm việc ngày chủ nhật từ đầu tháng 5 để bù vào những ngày mưa bão... Nhờ đó, trong năm 2017, công ty khai thác được 14.619,85 tấn mủ quy khô, đạt 104,42% kế hoạch năm, thu mua hơn 17.400 tấn. Tổng sản lượng chế biến đạt 32.200 tấn, đã tiêu thụ 29.400 tấn với giá bán bình quân 40,4 triệu đồng/tấn, mức giá cao so với toàn ngành.
Chính những bước đi phù hợp trong việc tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm đã giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, từ đó tăng lợi nhuận và ổn định thu nhập cho người lao động.
Ông Lê Phi Hùng - Tổng giám đốc công ty - cho biết, thời gian sắp tới công ty - sẽ lắp đặt máy in mã vạch thử nghiệm tại cuối dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến Cua Paris để chống hàng giả, hàng nhái. Công ty cũng sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng mủ nguyên liệu thu mua đầu vào để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tập trung vào công tác giải quyết kịp thời các khiếu nại để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, đảm bảo khâu thu mua cao su ngoài đạt sản lượng ổn định lâu dài.
Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 50001:2011 sản phẩm cao su SVR CV50, SVR CV60, SVR L, SVR 3L của công ty được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang