Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:46

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:46

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 11:51 ngày 17/09/2018

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho hàng Việt

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc xây dựng các tiêu chuẩn về thương hiệu, chất lượng của hàng Việt sẽ góp phần thay đổi tư duy của các nhà sản xuất - kinh doanh về việc đảm bảo chất lượng bền vững của hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Bùi Thế Duy (áo vest) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tham quan gian trưng bày hàng Việt Nam - chuẩn hội nhập của tỉnh tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2018.
Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2018 vừa qua đã thu hút hơn 200 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Một trong những điểm nhấn của hội chợ lần này là việc công bố tốp 10 sản phẩm được người tiêu dùng trong tỉnh bình chọn.
* Nâng cao chỉ số hài lòng
Ban Chỉ đạo cuộc vận Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) đã tổ chức khảo sát người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh với khoảng 2 ngàn phiếu bình chọn trên nhiều đối tượng khảo sát khác nhau, qua đó chọn ra 10 sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh chia sẻ, cuộc bình chọn này bước đầu đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng trong tỉnh về hàng Việt. Từ đó, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động khảo sát mức độ hài lòng, kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu của các mặt hàng Việt trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo 264 tỉnh nhận xét, thông qua các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người tiêu dùng còn mong muốn các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước tiếp tục chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá cả, tính an toàn của sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm...
Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức - một trong những doanh nghiệp nằm trong tốp 10 sản phẩm được người tiêu dùng trong tỉnh bình chọn - chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc chuẩn hóa trong xây dựng thương hiệu, chất lượng góp phần nâng tầm, đa dạng hóa các sản phẩm Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
* Hướng tới chuẩn hội nhập
Đầu năm 2017, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bên cạnh việc tổ chức bình chọn doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, còn ban hành bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập. Các tiêu chuẩn được xây dựng theo các tiêu chuẩn bắt buộc của các thị trường lớn trên thế giới. Đến nay, đã có 76 doanh nghiệp trên toàn quốc được công nhận đạt chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập”.

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai vừa qua, Bộ Khoa học - công nghệ và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố chương trình “Hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”.
Việc hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sẽ được thực hiện với những nội dung cơ bản như: xây dựng nhận thức và kiến thức nền cho nông dân và doanh nghiệp về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa; tư vấn xây dựng tiêu chuẩn; kết nối, hỗ trợ truyền thông về tiêu chuẩn cho nông dân, doanh nghiệp; hỗ trợ đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Thông qua đó nông dân và doanh nghiệp có thể tự định hướng, xây dựng chuẩn chất lượng cho sản phẩm của chính mình, đảm bảo sản phẩm chất lượng tốt tới tay người tiêu dùng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, việc hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sẽ là một phần căn bản trong việc xây dựng, thay đổi tư duy của các nhà sản xuất - kinh doanh trong việc đảm bảo chất lượng bền vững thông qua các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình hoạt động của cả chuỗi giá trị cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng và giữ vững tin cậy với đối tác trong nước và quốc tế.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ nhận định, việc ký kết này hướng tới thay đổi cả về tư duy lẫn hành động của các nhà sản xuất - kinh doanh trong nước. Việc tổ chức quy trình và toàn bộ hoạt động tuân thủ theo tiêu chuẩn sẽ giúp sản phẩm Việt Nam có chất lượng ổn định, duy trì sự tin cậy bền vững, đẩy mạnh phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và trở thành vũ khí sắc bén trong cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Báo Đồng Nai
lên đầu trang