Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:19

Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:19

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:17 ngày 26/09/2018

Công ty May Đức Giang nâng cao hiệu quả và năng suất lao động thông qua áp dụng các công cụ cải tiến

Sau khi tham gia dự án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty thông qua áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng”, Công ty May Đức Giang (thuộc Tổng Công ty May Đức Giang) đã thu được những kết quả tích cực như năng suất lao động đã tăng từ 5-8%, đạt 80% mục tiêu ban đầu;lượng hàng tồn trên chuyền giảm đáng kể từ Lean 10 xuống Lean 8; 25 cán bộ IE và tổ trưởng được đào tạo nghiệp vụ bài bản…
 
Từ lâu, ngành may mặc của Việt Nam vốn đã có ưu thế cạnh tranh trên thị trường nhờ nguồn lao động dồi dào, giá nhân công lao động thấp…Tuy vậy, tiền lương tăng cao những năm vừa qua dẫn đến Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh về khía cạnh nhân công lao động giá rẻ khi mà chiến lược của ngành dệt may thế giới là luôn tìm đến những nơi chi phí sản xuất thấp để gia công sản phẩm. Điều đó giải thích vì sao các nước như Bangladesh hay Ấn Độ có tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm may mặc trong ngành thương mại may mặc toàn cầu lại tăng đáng kể.  
 
Bên cạnh đó, trong chuỗi sản phẩm cung ứng của ngành may mặc toàn cầu, Việt Nam vẫn chỉ ở dừng ở mức gia công, chủ yếu phục vụ các đơn hàng nước ngoài nên thiếu sự sáng tạo trong thiết kế, dẫn đến giá trị gia tăng chưa cao. Ngành may mặc Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá gia công ngày càng giảm, năng suất lao động thấp, chi phí đầu vào ngày một tăng,đơn hàng nhỏ lẻ,yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.Thị trường hàng may mặc trong nước với hơn 200 thương hiệu nước ngoài, chiếm hơn 60% thị phần. 
 
Đứng trước những thách thức trên, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp dệt may trong nước cần phải có những hướng đi mới để giải bài toán “áp lực về phí nhân công” cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thế giới đang chạy đua với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với một ngành thâm dụng lao động như dệt may, việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật,áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến là hết sức cần thiết nhằm tăng năng suất, chất lượng,giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh. 
 
Công ty May Đức Giang là một doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Đức Giang- một trong những Công ty hàng đầu về may mặc tại Việt Nam.Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu và phục vụ trong nước với các sản phẩm thế mạnh như: áo jacket các loại, áo bluzdoong, áo gió, áo măng tô, áo sơ mi nam nữ, áo gile, quần sooc, váy và hàng thời trang phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Liên Minh Châu Âu...
 
Sớm nhận thức được các thách thức trong kinh doanh và với sự chỉ đạo của Tổng Công ty, lãnh đạo công ty đã chủ động nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng tự động hóa, nâng cao trình độ quản trị và tay nghề công nhân, đặc biệt là tiên phong áp dụng các phương pháp quản lý và công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng. 
 
Trong khuôn khổ thực hiện dự án:“ Nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty thông qua áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng”, thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Viện Năng suất Việt Nam thực hiện, Công ty May Đức Giang là một trong năm công ty thành viên của Tổng Công ty được lựa chọn tham gia triển khai dự án này. 
Quá trình triển khai dự án
 
Dự án được triển khai trong vòng một năm  từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017.Tổng công ty Đức Giang đã thành lập ban chỉ đạo dự án cải tiến được và giám đốc công ty thành viên sẽ trực tiếp chỉ đạo thực hiện tại công ty. Công ty May Đức Giang có trên 2000 lao động được chia thành 6 phân xưởng sản xuất chính và dưới các phân xưởng sẽ có đội cải tiến (gọi tắt là đội IE) chịu trách nhiệm thực thi những dự án cải tiến liên tục. Đội IE là một sắc thái riêng khi mà nhiều công ty may mặc hiện nay chưa có. Đây được coi là đội ngũ nòng cốt trong việc triển khai dự án cải tiến nhờ sự kết nối linh hoạt giữa người công nhân, tổ trưởng và đội ngũ lãnh đạo. 
 
Với sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia Viện Năng suất việt Nam, Công ty May Đức Giang đẩy mạnh áp dụng các công cụ tích hợp nhằm cải tiến năng suất chất lượng với các mục tiêu cụ thể như sau:
• Tăng năng suất lao động từ 5- 10%;
• Giảm lượng hàng tồn trên chuyền: duy trì ở mức LEAN 10 đối với mặt hàng sơ mi, quần;  mức LEAN 5 đối với JACKET;
• Giảm thời gian chuyển đổi mã hàng: giảm từ 8h xuống 6h đối với mã hàng mới và giảm từ 6h xuống 4h đối với mã hàng truyền thống;
• Giảm tỷ lệ sai lỗi trên chuyền xuống dưới 10%;
• Nâng cao tay nghề cho công nhân;
• Nâng cao trình độ của đội ngũ IE và tổ trưởng.
 
Bước đầu triển khai, chuyên gia tư vấn cùng với phía công ty đã đánh giá thực trạng,lựa chọn 2 xí nghiệp để thí điểm dự án, phân tích chuỗi giá trị đồng thời xác định những “Nút thắt” cần tập trung cải tiến. Hai bên xác định có 2 điểm cần tập trung cải tiến là rút ngắn thời gian chuẩn bị sản xuất; giảm hàng tồn, tăng năng suất cụm may chi tiết và lắp ráp. 
 
Các công cụ cải tiến sử dụng tích hợp gồm : Phân tích chuỗi giá trị  (VSM); nhận diện và giảm lãng phí; Cân bằng năng lực; Chuyển đổi nhanh (QCO); Bố trí mặt bằng sản xuất và đường chuyền; Quản lý trực quan; Phòng Chống lỗi; TWI - Chỉ dẫn trong công việc (3J).
 
Toàn bộ đội ngũ nhân viên, người lao động của Công ty đã được các chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam đào tạo bài bản nhận thức chung về các công cụ cải tiến,những phương thức làm việc hiệu quả như làm việc nhóm;giải quyết vấn đề; brainstorming và tư duy sáng tạo;phân tích dữ liệu; đánh giá và lựa chọn giải pháp;trình bày và báo cáo.
Một số hình ảnh các buổi đào tạo tại Công ty May Đức Giang
 
Sau khi triển khai đào tạo nhận thức, nhóm chuyên gia tiến hành triển khai điểm tại các tổ, cụ thể là thu thập dữ liệu, phân tích các nguyên nhân gốc rễ cùng với đó là đề xuất giải pháp và áp dụng thử nghiệm.
Chuyên gia đánh giá kết quả bước đầu sau khi thử nghiệm tại Công ty May Đức Giang
Một số kết quả đạt được 
 
Qua 6 tháng áp dụng các giải pháp cải tiến, công ty đã thu được nhưng kết quả bước đầu tích cực, chứng tỏ việc áp dụng các công cụ cải tiến tích hợp tại Công ty May Đức Giang thực sự có hiệu quả và có thể nhân rộng.Năng suất lao động đã tăng từ 5-8%, đạt 80% mục tiêu ban đầu; lượng hàng tồn trên chuyền giảm đáng kể từ Lean 10 xuống Lean 8; 25 cán bộ IE  và tổ trưởng được đào tạo nghiệp vụ bài bản…
 
Đối với 2 nút thắt đã được xác định, công ty tiến hành áp dụng nhiều biện pháp cải tiến như sau:
Nút thắt 1: Rút ngắn thời gian chuẩn bị sản xuất
- Nghiên cứu và xác định công đoạn khó tại khâu may từ trong quá trình may mẫu, chuẩn bị sản xuất: 100% các mã hàng khi vào chuyền đều có nghiên cứu và cảnh báo các công đoạn khó xuống chuyền, có biện pháp khắc phục và nhân viên kỹ thuật, IE ra rải chuyền. 
- Xác định nhu cầu cữ gá: các mã hàng được nghiên cứu cữ gá và thử cữ gá trước khi vào rải chuyền 1-2 ngày.
 
Nút thắt 2: Giảm hàng tồn và tăng năng suất cụm may chi tiết và lắp rắp
- Giảm thời gian chuyển đổi mã hàng: giảm từ 8h xuống dưới 6h với mã hàng mới và giảm từ 6h xuống dưới 4h với mã hàng truyền thống;
- Bố trí đường chuyền: Các mã hàng trước khi vào chuyền đều có sự kết hợp giữa IE và cán bộ chuyền để lên thiết kế đường chuyền ngắn nhất trước khi vào chuyền 1-2 ngày sản xuất;
- Cân bằng năng lực sản xuất: Các mã hàng được cân bằng chuyền sau 8 giờ kể từ khi ra chuyền sản phẩm đầu tiên, cân bằng chuyền được thực hiện 3 ngày/ lần;
- Quản lý trực quan: Tất cả các vị trí, khu vực đều có hiển thị trực quan để nhận biết nhằm tránh nhầm lẫn và cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn;
- Phòng chống lỗi: Tỷ lệ sai lỗi trên chuyền giảm từ 15% xuống dưới 10%;
- Đào tạo đa năng công nhân: đào tạo đa năng tay nghề công nhân mỗi tháng đào tạo được 50-70 công đoạn/ 1 xí nghiệp;
- Áp dụng cữ gá: Các loại cữ gá được áp dụng triệt để và có hiệu quả cao trong quá trình sản xuất: cữ nhựa, cữ kim loại.
- Bảo dưỡng thiết bị: Thực hiện bảo dưỡng thiết bị được thực hiện có kế hoạch nhằm tránh để xảy ra hỏng trong quá trình sản xuất.
- Thời gian ngừng máy sau cải tiến giảm 20-50% so với trước cải tiến. 
 
Thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm
 
Bà Hà Thị Hiên, Phó Giám đốc Công ty May Đức Giang cho biết Lãnh đạo Công ty rất quyết tâm thực hiện dự án trên. Ban lãnh đạo, đặc biệt là Tổng Giám đốc Công ty đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện, đó là sự cổ vũ rất lớn và tạo dựng được sự quyết tâm cho toàn thể đội ngũ nhân viên, người lao động công ty. Công ty cũng nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam trong việc đào tạo bài bản các phương pháp và kỹ năng triển khai. Không chỉ vậy, sự đồng lòng của cán bộ, công nhân viên csc xí nghiệp sản xuất cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công của dự án. 
Tuy nhiên, công ty cũng gặp phải khó khăn nhất định như trong quá trình thực hiện triển khai các đơn hàng nhỏ, lẻ, nguyên phụ liệu không đồng bộ ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị sản xuất, nghiên cứu trước khi vào chuyền của các đơn vị.
 
Rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm, Công ty cũng đã triển khai tiếp dự án tại 6 xí nghiệp còn lại nhằm nhân rộng mô hình cải tiến mới cũng như duy trì dự án cho đến thời điểm hiện tại. Dự án tập trung vào việc cải thiện mặt bằng sản xuất và tập trung cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, đồng thời kiện toàn cơ cấu tổ chức về cải tiến như hình thành Bộ phận cải tiến thuộc phòng kỹ thuật, triển khai nhóm cữ gá, bổ sung cán bộ IE tại các chuyền sản xuất. Ngoài ra, các nhóm cũng tích cực chia sẻ các bài học kinh nghiệm và sáng kiến cải tiến thông qua nhóm Zalo kết nối online trong công ty và giữa các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty. Công ty cũng liên tục phát động các chủ đề cải tiến nhằm tạo cơ hội cho cán bộ, nhân viên chia sẻ những ý tưởng cải tiến sáng tạo và nâng cao tinh thần đoàn kết.
 
Trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng cùng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (hay còn gọi là CPTPP) được ký kết đầu năm nay đã mở ra nhiều cơ hội đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho ngành dệt may Việt Nam. Doanh  nghiệp dệt may Việt Nam muốn cạnh tranh được thì buộc phải nâng cao năng suất lao động. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều Doanh nghiệp áp dụng những biện pháp cải tiến năng suất chất lượng, đầu tư công nghệ hiện đại để doanh nghiệp dệt may khẳng định được năng lực cạnh tranh và hàng dệt may Việt Nam trở thành thương hiệu uy tín trên trường quốc tế./.
Theo Viện Năng suất Việt Nam
lên đầu trang